Review Sách Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc – Hành Trình Đi Tìm Hạnh Phúc Vượt Khuôn Mẫu

0
1407
review-sach-minh-noi-gi-khi-noi-ve-hanh-phuc
Review sách Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc

“Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc” của tác giả Rosie Nguyễn kể về một hành trình đặc biệt, hành trình mà ở đó mỗi người chúng ta kiếm tìm hạnh phúc khác với các chuẩn tắc chung trong xã hội. Qua những câu chuyện dung dị về trải nghiệm của tác thời thơ ấu, về những người bạn, người thương…, ta như được lắng lại sau những ồn ào vội vã ở bên ngoài để quay về bên trong chính mình. Đây là cuộc hành trình của những chiêm nghiệm suy tư về hạnh phúc, về mục đích cuộc sống, về thân phận con người. 

Giới thiệu tác giả sách Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc – Rosie Nguyễn

Rosie Nguyễn – tác giả Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc tên thật là Nguyễn Hoàng Nguyên sinh năm 1987, là một tác giả, nhà báo và nhà tư vấn truyền thông nổi tiếng ở Việt Nam. Các sách và bài báo của cô tập trung vào các vấn đề xã hội và văn hóa trong mối quan hệ với người trẻ Việt Nam. Ngoài ra, tác giả khá nổi tiếng với các vai trò blogger/facebooker về văn hóa du lịch, giảng viên các khóa học kỹ năng và huấn luyện viên yoga. 

Năm 2015, Rosie Nguyễn đã đọc 60 quyển sách và mục tiêu năm 2016 của cô là đọc 65 quyển sách. Mỗi tuần, Rosie Nguyễn sẽ đọc xong một quyển sách. Tài khoản đọc sách trên Goodreads của Rosie có hơn 260 quyển cả tiếng Việt và tiếng Anh. Các bạn trẻ thường vào Facebook của Rosie Nguyễn để tìm những cuốn sách hay do cô giới thiệu, cũng như những bài viết về văn hóa, xã hội và phương pháp tự học dành cho giới trẻ. Cô còn sở hữu gia tài “du lịch bụi” đến 20 quốc gia.

review-sach-minh-noi-gi-khi-noi-ve-hanh-phuc-2
Review sách Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc

Sách hay nên đọc: Review Sách Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu? – Ngọn Đuốc Sáng Cho Những Tuổi Trẻ Vô Định

Nội dung sách Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc

“Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc”, Rosie Nguyễn từng chia sẻ về tựa đề cuốn sách được gợi cảm hứng từ hai tác phẩm của các bậc tiền bối mà cô vô cùng kính trọng: “Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình” của tác giả Raymond Carver và  cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của nhà văn Haruki Murakami.

Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc? Đối với tác giả, hạnh phúc luôn đến từ những điều nhỏ nhặt nhất bên cạnh mình, cho dù chỉ là mỗi ngày được uống một ly trà, đọc một cuốn sách và viết vài dòng cho một cuốn sách, vỏn vẹn chỉ vậy. Giọng kể chuyện cứ như thủ thỉ tâm tình, đem lại cảm giác dễ chịu, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Và trong những câu chữ đều lấp lánh vẻ đẹp của tình yêu cuộc sống.

Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc gồm ba phần chính là Sống, Yêu, Vui với gần 30 bài viết dưới phong cách tự sự nhằm hướng tới những bạn trẻ để các bạn chiêm nghiệm về cuộc sống và hạnh phúc. Ngôn ngữ giản dị gần gũi như lời tâm sự của tác giả đối với bạn đọc.

Phần 1: SỐNG

Sống tức là sống hết mình, trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống, cho sự tồn tại của bản thân một ý nghĩa bên trên tất cả các phù phiếm, tầm thường trong đời sống. 

Rosie chia sẻ tới các bạn trẻ, khuyên mọi người hãy tích cực vận động, chạy bộ đi, rất tốt cho tim mạch, và cả cho tâm trạng nữa. 

Dù cho trưởng thành, hãy cứ luôn giữ lấy nếp nhà, đó là nơi bình yên nhất trong tâm khảm mỗi chúng ta.  Xa nhà là thoát khỏi vùng an toàn, tự thân tự lo, không còn được ấp ủ như ngày trước. Rốt cuộc, đi hết thế gian, nơi quay về cuối cùng nhất vẫn là nhà. 

Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc viết về Sài Gòn, không phải là một Sài Gòn đất chật người đông, nơi phồn hoa đô hội với những tòa nhà cao ốc và ánh đèn điện sáng lung linh, ồn ào, tấp nập như ta thường nghĩ, thay vào đó, Sài Gòn trong suy nghĩ của Rosie là một khoảng trời đầy nắng, đầy gió, những cây me xanh trên đường Phùng Khắc Khoan, những ngôi nhà tường vàng mái tôn, bao nhiêu cây xanh và dây leo trên đường Chu Mạnh Trinh. 

Giữa dòng người tấp nập này, ai ai cũng muốn theo đuổi tham vọng, đam mê, có khi nào ta sống vội quá không, ta hơi ích kỷ không, có khi nào chỉ là một cuộc điện thoại hỏi thăm bố mẹ, ta cũng lơ luôn không, vì một câu nói lo lắng của mẹ mà ta lại cáu bẳn không. Ta nhận nhiều quá rồi, có phải vô cảm luôn không?

Rosie khuyên mọi người hãy biết cho đi, cho đi tình yêu, cho đi nụ cười, một cái ôm, nụ hồn nồng hậu, hay cũng có thể là một cái bắt tay đầy tình cảm. Hãy luôn “ cho đi một cách hào sảng, nhận lại một cách cừ khôi”.

Phần 2: YÊU

Yêu tức là nuôi dưỡng tâm hồn mình được an nhiên mà nồng hậu, hiểu rõ các cảm xúc của trái tim ta và nhờ đấy ta biết cách thương mình thương người.

Tác giả trải mình trong những rung động của một thời đáng yêu, những tình cảm mang chút do dự, ngập ngừng, cũng rất là khó hiểu. Thời gian rồi cũng xóa nhòa mọi thứ, tình cảm cũng vậy, rồi ta “ngậm ngùi nghĩ mình đã từng có một góc nhỏ xíu trong trái tim họ. Những người thương ta hoặc ta thương đều đã lên xe hoa. Còn mình vẫn ngược xuôi muôn lối, chẳng biết đâu là bến đỗ an lành”.

Thế giới 7 tỷ người, tại sao ta vẫn cứ cô đơn, câu nói được rất nhiều bạn trẻ nói đến, cô đơn ư, thật sao, lẽ nào đời này chỉ có tình yêu sao, còn tình thân, tình bạn, còn rất nhiều điều ta vô tình bỏ lỡ.“ Hãy nhớ rằng, tình yêu đôi lứa không phải là tất cả của cuộc sống”.

Ai đó từng viết thế này: Nếu muốn nói câu “ Tôi yêu em” thì phải nói từ “tôi” trước đã. Yêu lấy bản thân mình, chăm chút cho từng khía cạnh một con người mình, cũng tin tưởng, trân trọng bản thân, có như thế, khi gặp được người mình thương, mới có thể sánh đôi đi hết chặng đường.

Phần 3: VUI

Vui nghĩa là sự hài lòng với thực tại một cách có ý thức, tức là không tham muốn những thứ ta chưa sở hữu, không bất mãn với các điều ta đang có nhưng tất nhiên đừng hiểu nhầm nó mang sự lười biếng vô tâm, hững hờ hay an phận. Đó là thái độ lạc quan, vững vàng trước hầu hết hoàn cảnh và sống chú tâm vào những điều tươi đẹp, tích cực cho dù nhỏ nhặt trong đời sống (tất nhiên là vẫn nên giải quyết những điều chưa tốt, nhưng trong tâm thế không tiêu cực, hận thù, mù oán).

Cuộc đời vẫn phải trải qua vòng quay của sinh, lão, bệnh, tử. Nhiều người khi nghĩ đến cái chết, vẫn thường cảm thấy rất sợ hãi, hoang mang, như là một mất mát lớn không thể nào đền bù nổi. Nhưng vẫn còn điều đáng sợ hơn cái chết là sống trong một tâm hồn tàn lụi, xuân hạ thu đông, bốn mùa cứ thế luân chuyển, càng lớn càng nhận ra thời gian lại trôi nhanh hơn, cứ như thúc giục ta hãy sống đi, cống hiến đi, tận hưởng đi, để không phải hối tiếc.

Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc khuyên bạn đọc hãy đi thật nhiều, một chuyến đi ngẫu hứng cũng được, miễn là ra khỏi nhà, rời khỏi màn hình laptop, hãy đi và trải nghiệm. Suy cho cùng, thì chẳng có chuyến đi nào là vô nghĩa cả. Dù có đơn độc hay không, thì khi trở về, chắc chắn chúng ta sẽ can trường hơn.

“Life is about the little things”, cuộc sống là từ những điều nhỏ nhặt, hạnh phúc cứ ngỡ như xa tận chân trời mà lại gần ngay trước mắt. Hạnh phúc là thứ cảm xúc vô hình ta không thể nhìn thấy, nhưng lại thù hình thành nên những điều đơn giản xung quanh, mà chỉ khi ta thực sự hài lòng với cuộc sống này mới có thể nhìn thấy bằng trái tim.

Nhiều người nghĩ hạnh phúc là tậu được xe hơi, một căn biệt thự xịn sò, trúng vé số 10 tỷ, có vẻ lớn lao quá. Ăn một bữa ngon, ngủ một giấc ngon cũng là hạnh phúc đấy, tình cờ nghe thấy bài hát mình thích phát trong quán cafe, được đồng nghiệp chờ thang máy, cũng là hạnh phúc… có ti tỉ những điều như vậy, ta gọi đó là những điều nhỏ nhặt, mỗi điều nhỏ nhặt đó lại là một hạnh phúc lớn.

review-sach-minh-noi-gi-khi-noi-ve-hanh-phuc-3
Review sách Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc

Sách hay nên đọc: Review Sách Bí Quyết Đơn Giản Hóa Cuộc Sống – Tạm Biệt Lo Lắng Và Sống Đời Hạnh Phúc

Giá trị của sách Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc

Dù trưởng thành cũng hãy giữ lấy nếp nhà

Thời thơ ấu vĩnh viễn là khung hình đẹp nhất. Những con người ấy rồi sẽ lớn lên như cây xanh nhưng ký ức thì mãi mãi nhỏ bé nằm trong một góc tâm hồn

Là một người con sinh ra và trưởng thành tại làng quê, trong ký ức tuổi thơ của tác giả chứa đựng đầy hình ảnh thiên nhiên thân thuộc, giản dị và bình yên. Những lần đi trộm nhãn lồng, nép mình dưới mương nước để trốn. Hay những lúc trèo cây ổi, cây me rồi những hình ảnh quê hương thân thuộc như con dốc nhỏ trên đường làng, cái chạc lãng mịn của cây ổi giờ đã chết, cảnh vật trong khu vườn và cả những món ăn khi trước.

Tác giả của Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc nhớ về căn nhà của mình, một mảnh đất cất giữ những kí ức thuở nhỏ. Nhớ đến ba má, cùng  các em, nhớ những thói quen và nếp nhà khi xưa. Nhưng cũng chính hoài niệm này đã khiến tác giả nhận ra mình đã thay đổi quá nhiều khi trưởng thành.

Cuộc sống xa nhà phải bươn chải nhiều, đôi khi đã phá vỡ cái nếp nhà, sống từng ngày như cái máy được lập trình sẵn, thói quen tốt đẹp ngày xưa bị mai một dần. Thấy mình ngày càng lạnh lùng và thờ ơ hơn. Vật chất nhiều nhưng thèm khát cũng nhiều. Đôi khi nhớ về tổ ấm bình yên nơi quê nhà, lại tự hỏi mình, chẳng lẽ thời thơ ấu là lúc mình khôn ngoan và sáng suốt nhất sao?

Nhưng nếp nhà là cái ở sâu trong tim ta, là gốc rễ mà mải mê với cuộc sống, nhiều khi ta quên mất, nhưng nó vẫn ở đấy. Bởi nếp nhà không chỉ là thói quen xưa mà nó còn gắn bó với cha mẹ và gia đình mình nữa. Có thể, chúng ta đã thay đổi nhiều nhưng cốt lại chúng ta tuyệt đối đừng quên mất nếp nhà, hãy giữ lại chúng để mỗi ngày đều có thể vừa sống vừa cảm thấy hạnh phúc như những ngày còn thơ bé bên gia đình.

Đừng tồn tại hãy sống

Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc khuyến khích tuổi trẻ hãy đi xa, bởi đi xa là cách nhanh nhất để về Nhà. Tác giả không đồng nhất hạnh phúc với niềm vui. Vốn dĩ hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau mà. Cuốn sách là những mẩu chia sẻ nhỏ về cuộc sống của chị, chứa chan những hạnh phúc nho nhỏ, trong trẻo và bình yên đến lạ.

Những câu chuyện của Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc không cao siêu, không to tát gì, mà chỉ là những chuyện nhỏ nhặt như thói quen, lẽ sống cá nhân, gia đình, đáng yêu và gần gũi đến lạ thường. Suy cho cùng, được sống cũng là một loại hạnh phúc, tác giả muốn nhắn nhủ chúng ta phải quý trọng cuộc sống của mình, phải biết tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc đời.

Trong guồng quay của cuộc sống, có những lúc chúng ta vùi đầu vào công việc, chạy theo sự thành công mà quên mất chăm sóc cho bản thân mình. Vậy tại sao không thử một ngày xỏ giày vào và bắt đầu chạy bộ. Ưu điểm lớn nhất của môn chạy bộ là bạn không cần phải tập chơi, vì người không có chấn thương hay khuyết tật đều có thể chạy được.

Khi bắt đầu, chỉ cần điều chỉnh cách chạy sao cho đem lại hiệu quả cao nhất sau đó từ từ thích ứng cho phù hợp. Cứ như vậy mà duy trì thành thói quen bạn không chỉ cải thiện sức khỏe của mình mà còn khiến đầu óc trở lên thư thái, sức sống và trí tuệ tràn trề. Vì vậy, hãy dành vài phút một ngày rời bàn phím và xỏ giày vào.

Không chỉ là tập thể dục, tác giả còn nuôi dưỡng tâm hồn của mình bằng cách tham gia các khóa tu và các chương trình thiện nguyện khác. Thiết kế cuộc sống theo cách của riêng mình và thoả mãn với cuộc sống đó theo cách chỉ riêng mình.

Giữ gìn cái tâm an lành, hằng ngày làm điều thiện. Nuôi dưỡng tình yêu, hạnh phúc, sự bình yên. Có lẽ, đó là cuộc sống yên bình và đẹp nhất mà chúng ta luôn tìm kiếm. Hãy chỉ yêu khi thấy bản thân mình được vui vẻ.

Một vài điều về cái chết

Hãy sống thật tốt kiếp này, trân trọng những người mình yêu thương và yêu thương mình, tận hưởng từng khoảnh khắc để khi lìa đời chúng ta không tiếc nuối

Trong cuộc sống, cái chết là một đề tài ít khi được nhắc tới, thậm chí cấm kỵ, vì nó đem đến niềm đau buồn gợi đến sự xúi quẩy. Nhưng thông qua những câu chuyện của tác giả về cái chết, ta sẽ có cái nhìn khác đi về cái chết, bởi cái chết cũng đều mang những ý nghĩa riêng. Và dưới đây là một số suy nghĩ về cái chết được đề cập trong cuốn sách Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc.

Theo Phật dạy: Sống ở đời, càng thương nhiều thì càng bị ràng buộc nhiều, càng bị ràng buộc nhiều thì càng khổ đau nhiều. Người thân của mình tuy là máu mủ ruột rà nhưng chỉ là người thân trong kiếp này, ba mẹ mình kiếp này là phụ mẫu nhưng kiếp sau biết đâu lại là con cháu hay bạn bè mình. Cho nên yêu quý người nào đó, thì phải biết cách yêu thương tâm hồn họ, con người họ, nhưng đừng gắn bó với cái thể xác, cái tạm thời của họ. Yêu thương nhưng đừng yêu theo kiểu bi lụy, theo kiểu sở hữu, chỉ nên thương thôi đừng nên giữ.

Còn theo Osho: Chết là một phần tất yếu của sự sống. Khi một người nào đó mất đi là họ rời bỏ cơ thể già cỗi ốm yếu của mình để đầu thai vào một cơ thể mới hoàn hảo hơn, tươi mới hơn để tiếp tục sứ mệnh linh hồn của mình. Vậy cớ sao ta phải khóc lóc, bi thương thay vào đó hãy cầu nguyện cho họ, thầm chúc rằng họ sớm tìm được một nơi tốt lành để đầu thai, để có thể tìm được nơi tốt đẹp hơn.

Câu chuyện cuối cùng trong Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc là của chính tác giả, vào thời điểm máy bay gặp sự cố cô đã nghĩ đến trường hợp mình sẽ phải chết đi. Tuy nhiên, khác với mọi người cô nghĩ “Nếu chết tại sao không chết trong an lành. Mình đã có nhiều giây phút trong đời hạnh phúc đến nghẹt thở, đến tưởng như có chết ngay tại đó thì vẫn thấy mãn nguyện. Thế thì khi đối diện với cái chết hãy cứ mỉm cười và an nhiên ra đi.”

Qua những câu chuyện trong Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc, ta thấy trân trọng cuộc sống này hơn, biết cách buông bỏ nỗi sợ khi nhắc về cái chết. Hơn hết, ta cũng nhận ra bản thân cần dùng thời gian để làm những điều quý giá và quan trọng mà mình luôn muốn làm để không có gì phải hối tiếc vào mọi thời điểm.

Nếu có một lúc nào đó bạn phải trải qua nỗi đau mất đi một điều quý giá, một tài sản có giá trị cao, thì cũng đừng buồn. Mà hãy tiếp tục phấn đấu đi tiếp vì bạn vẫn còn sống. Bởi đôi khi chỉ sống thôi cũng là điều tuyệt vời.

Hãy cùng với Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc sống khác, yêu khác, vui khác, nhẹ nhàng hơn, đẹp hơn, hạnh phúc không nằm ở đâu khác ngoài tầm tay, đừng nhăn mặt với cuộc đời dù trong nghịch cảnh.

Trong giông bão ở bên ngoài hay ở trong lòng, hãy biết nhìn, như cô bé Rosie nhìn cảnh lụt: trong mênh mông nước dâng lên, vài con kiến nhỏ túm tít leo trên một cọng cỏ còn ngoi đầu lên được bên vệ đường. Chúng nó đang kể một câu chuyện thần tiên: hy vọng chẳng hề biến mất trong một thế giới vô vọng. 

review-sach-minh-noi-gi-khi-noi-ve-hanh-phuc
Review sách Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc

Trích dẫn hay trong Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc

“Chẳng có cớ gì để em không hạnh phúc!”

“Hạnh phúc là khi thấy mình trong gương và mỉm cười, thấy thích con người của mình trong hiện tại, khi thấy mình còn đủ trẻ để thử những điều mới, đủ trẻ để bỏ đi làm lại từ đầu. Thấy mình được sống theo cách mà mình muốn…”

“Hạnh phúc là chỉ cần khi nghĩ về ai đó, thấy trong lòng lấp lánh những niềm vui, thấy có một lý do để mỉm cười, thế là đủ.”

“Hạnh phúc khi thấy mình được sinh ra. Được trải qua tất cả những buồn vui sướng khổ. Được tư duy và chiêm nghiệm. Ngẫm ra, được làm người đã là hạnh phúc lắm rồi, có cần điều gì khác nữa đâu.”

“Điều mình muốn nói là, thế giới đã có rất nhiều những người tài năng, những người thành công xuất chúng. Nhưng hơn bao giờ hết, trái đất này cần những người tử tế.”

“Thời gian của mình không có nhiều trên đời, người mà ta yêu mến không mãi bên ta. Vậy cớ gì ta không trân trọng phút giây hiện tại.”

“Đâu cần phải đi xa để biết nhìn, biết thấy. Ngay trước mắt, mấy ai đã biết thấy, biết nhìn, biết khám phá cái đẹp trong mỗi cảnh vật đơn sơ, một chiếc ba lô cũ bạc màu, một lát dưa leo xắt mỏng? Một góc nhà, một bàn viết, một quyển sách cũng là một thế giới thần tiên?”

Lời kết

Cuốn sách Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc còn là món ăn tinh thần cho những ai đang cảm thấy mông lung giữa cuộc đời, cho những ai đang mải mê theo đuổi những ước mơ xa xôi, cho những ai đang đứng trước những ngã rẽ, không biết lựa chọn của mình đúng hay sai. Hãy đọc cuốn sách Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc để chiêm nghiệm hạnh phúc cùng tác giả nhé.

Sách hay nên đọc: Review Sách Dám Bị Ghét – Hạnh Phúc Thực Sự Là Gì?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây