Bạn phát ngấy vì những cuốn sách self-help với những lời tuyên bố hùng hồn, những bí mật, những công thức, những chìa khóa để tạo dựng một cuộc sống thành công, hạnh phúc, viên mãn,.. đọc xong rồi bỏ đó chứ không áp dụng được vào thực tế?
Hãy tìm đến Thói Quen Nguyên Tử (Atomic Habits) để học cách xây dựng những thói quen tốt và phá vỡ những thói quen xấu theo một cách cực kì bài bản và khoa học.
Mục Lục
Tác giả sách Thói Quen Nguyên Tử
Thói Quen Nguyên Tử là cuốn sách của James Clear, một vận động viên, nhà văn, diễn giả nổi tiếng khắp thế giới với chuyên môn tạo dựng thói quen, cách thức ra quyết định và cải thiện bản thân.
Cuốn sách Thói Quen Nguyên Tử của ông đứng top 1 New York Times Bestseller trong nhiều tuần, được dịch ra hơn 50 thứ tiếng và bán được cả triệu bản trên toàn thế giới.
Sách hay nên đọc: Review sách Kỷ Luật Tự Giác – Thói Quen Của Người Thành Công
Nội dung sách Thói Quen Nguyên Tử
Thói Quen Nguyên Tử viết về một đề tài không mới, cũng không phải là cuốn sách đi đầu trong lĩnh vực này. Tuy vậy, sách vẫn được nhiều độc giả yêu thích vì những gì chia sẻ tới người đọc là rất khoa học, bài bản nhưng cũng đầy sự thấu hiểu.
Tầm quan trọng của thói quen
Người ta nói nhiều về việc đặt những mục tiêu, những đích đến. Nhưng, theo Thói Quen Nguyên Tử, nếu bạn mong muốn những kết quả tốt hơn thì hãy quên việc đề ra các mục tiêu đi. Thay vào đó, hãy tập trung xây dựng một hệ thống của riêng bạn. Ở đó, bạn sẽ xây dựng những thói quen tốt và loại bỏ những thói quen xấu, từng bước, từng bước một.
Sở dĩ, việc chăm chăm vào theo đuổi một mục tiêu là điều kém sáng suốt. Khi thực hiện được mục tiêu đó rồi, bạn dễ dàng mất động lực phấn đấu và không biết nên làm gì tiếp theo. Nhưng khi có một hệ thống một thói quen tốt trong một hệ thống tốt thì bạn sẽ duy trì được phiên bản tốt nhất của mình, không bị bám dính vào một nhân dạng nhất định và linh hoạt hơn trong cuộc sống.
4 bước để tạo dựng những thói quen tốt
Bước 1: Biến thói quen trở nên hiển nhiên
Hãy xây dựng một môi trường bền vững, nơi mọi thói quen đều có địa điểm cụ thể, mục đích rõ ràng để tạo tiền đề hình thành thói quen.
Thói Quen Nguyên Tử đưa ví dụ về tối ưu hóa không gian trong căn nhà. Ghế sẽ chỉ dành để đọc sách, bàn cho việc viết lách và bàn cho việc ăn uống. Như một tác giả chỉ sử dụng máy tính cho việc sáng tác, máy tính bảng cho việc đọc và điện thoại cho nghe gọi cộng với mạng xã hội.
Chiến lược này giúp mỗi bối cảnh gắn liền với một thói quen cụ thể và một dạng thức suy nghĩ.
Bước 2: Biến thói quen trở nên thu hút
Khi cơ hội có được càng hấp dẫn thì chúng ta càng dễ hình thành thói quen. Theo Thói Quen Nguyên Tử, thói quen thực chết là một vòng tròn phản hồi kiểm soát việc sản sinh dopamine. Khi dopamine tăng lên thì động lực để hành động của chúng ta cũng tăng lên.
Thói Quen Nguyên Tử gợi ý chúng ta gắn kết một hành động mà bạn muốn làm với một hành động bạn cần phải làm để xây dựng được những thói quen tốt. Ví dụ, sau khi đặt điện thoại xuống, tôi sẽ chống đẩy 10 cái (cần làm). Sau khi chống đẩy 10 cái, tôi sẽ lướt facebook (muốn làm).
Chúng ta cũng có xu hướng hình thành nên các thói quen mà chúng được khen ngợi và chấp nhận bởi nền văn hóa vì chúng ta luôn có khao khát được hòa nhập và thuộc về một tập thể. Vậy thì hãy tham gia vào một môi trường nơi mà những thói quen của bạn được coi là bình thường và có điểm chung với tập thể.
Bước 3: Biến thói quen trở nên dễ dàng
Theo Thói Quen Nguyên Tử, cách học hiệu quả nhất là bắt tay vào thực hành chứ không phải là lên kế hoạch. Thời gian bạn dành cho thói quen đó không quan trọng bằng số lần bạn thực hiện nó. Tần suất càng lớn thì khả năng bạn thành thục và biến thói quen đó thành một phần của bản thân càng tăng cao.
Chúng ta cũng cần giảm thiểu những trở ngại liên quan đến những thói quen tốt. Khi có ít trở ngại thì thói quen sẽ trở nên dễ dàng. Tương tự, khi tăng trở ngại lên những thói quen xấu thì ta sẽ càng hạn chế thực hiện nó.
Sách Thói Quen Nguyên Tử lấy ví dụ: để hạn chế việc sử dụng điện thoại, ta hãy để nó sang một phòng khác khi bắt đầu làm việc. Muốn giảm thiểu thời gian xem tivi, hãy rút phích cắm tivi và tháo pin điều khiển sau mỗi lần sử dụng, hoặc chuyển hẳn tivi ra phòng khách thay vì để chúng trong phòng ngủ. Cản trở càng lớn thì thói quen càng khó hình thành.
Sách hay nên đọc: Review Sách 10 Phút Tĩnh Tâm – 71 Thói Quen Cân Bằng Cuộc Sống Hiện Đại
Bước 4: Biến thói quen trở nên thỏa mãn
Đương nhiên sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta khi làm đi làm lại một việc gì đó đem đến trải nghiệm dễ chịu. Bộ não chúng ta tiến hóa theo hướng ưu tiên những phần thưởng tức thời hơn là những phần thưởng đến sau.
Ví dụ, bất cứ khi nào bạn bỏ qua được một khoản mua sắm, hãy bỏ vào tài khoản bằng đúng số tiền đó. Phần thưởng này có thể được tiết kiệm để mua một cái áo da yêu thích hay để đi du lịch một chuyến thật đã cho bản thân.
Khi đã tạo đà để thực hiện một số thói quen hữu ích, bạn hãy theo dõi tiến trình thực hiện để khích lệ bản thân. Sẽ có lúc chúng ta phá vỡ thói quen vì những lí do bất khả kháng nhưng đừng bao giờ bỏ lỡ hai lần. Nếu bạn bỏ lỡ một ngày thì hãy cố gắng tiếp tục thực hiện lại thói quen nhanh nhất có thể.
Bộ mã gene của chúng ta sẽ quyết định một số lĩnh vực mà chúng ta có ưu thế. Vì vậy, hãy ưu tiên những việc chúng ta có khả năng và đầu tư nhiều thời gian vào đó để xây dựng những thói quen tốt và thu về những thành quả xứng đáng.
Quy luật Godilocks về thói quen con người
Những trải nghiệm của con người sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ nhất khi chúng ta làm những việc đạt tới ngưỡng trong khả năng hiện tại. Tức là công việc đó không được quá dễ nhưng cũng không khó đến mức bất khả thi. Khi một thói quen đã thành thông lệ thì chúng sẽ trở nên kém hấp dẫn và ít mang lại tính thỏa mãn. Nhưng, chính khả năng tiếp tục thực hiện công việc khi công việc đó không còn thú vị mới là điều tạo ra sự khác biệt giữa con người với con người.
Nhận xét về cuốn sách Thói Quen Nguyên Tử
Thói Quen Nguyên Tử được độc giả đánh giá cao vì cách tác giả trình bày vấn đề rất hệ thống. James Clear đi từ những hiểu viết về tâm lý học hành vi, cũng là những trải nghiệm của chính bản thân ông để viết về thói quen một cách rất gần gũi, quen thuộc và dễ thực hiện.
Những minh họa trong sách cũng đóng vai trò quan trọng, giúp độc giả dễ dàng hình dung và áp dụng những thói quen tí hon vào cuộc sống của mình.
Tác giả đưa ra nhiều câu chuyện truyền cảm hứng cho người đọc. Tuy vậy, một điểm trừ nho nhỏ là những chương cuối được viết tương đối dài dòng.
Trích dẫn hay từ sách Thói Quen Nguyên Tử
“Thói quen không hạn chế tự do; thói quen tạo ra tự do.
Sẽ là vô nghĩa nếu cứ luôn nhìn vào mục tiêu trong khi hệ thống không được cải thiện.
Không bao giờ ngắt quãng hai lần. Nếu hôm nay bạn không thực hiện một thói quen thì hãy quay lại với lịch trình của bạn nhanh nhất có thể.
Nếu bạn muốn chinh phục một thói quen, chìa khóa là bắt đầu với sự lặp lại, chứ không phải sự cầu toàn. Bạn không cần vẽ ra mọi đặc điểm của một thói quen mới. Bạn chỉ cần rèn luyện nó.
Điều lợi của thói quen là chúng ta có thể làm nó mà không cần suy nghĩ. Điều hại của thói quen là bạn quen với làm một thứ nhất định theo một cách nhất định và rồi bạn dừng chú ý vào các sai sót nhỏ. Bạn cho rằng bạn đã trở nên tốt hơn bởi vì bạn giành được kinh nghiệm. Trong thực tế, bạn đơn giản chỉ là củng cố các thói quen hiện tại – chứ không phải cải thiện chúng. Nghiên cứu chỉ ra rằng một kỹ năng khi đã được chinh phục thì đó thường sẽ là điểm báo hiệu sự giảm sút về hiệu quả của nó theo thời gian. “
Lời kết
Thói Quen Nguyên Tử là một cuốn sách rất đáng đọc và đáng chia sẻ tới nhiều người vì những giá trị hữu ích mà sách mang lại. Bắt đầu từng bước nhỏ với một tư duy đúng đắn, bạn sẽ xây dựng được một hệ thống những thói quen tốt trong cuộc sống và sống những ngày ý nghĩa hơn.
Sách hay nên đọc: Review Sách 6 Thói Quen Làm Việc Hiệu Quả – Kỹ Năng Giúp Bạn Thành Công Vượt Trội