Review Sách Tư Duy Có Hệ Thống – Làm Gì Trong Thế Giới Nhiễu Loạn Thông Tin?

0
1594
review-sach-tu-duy-co-he-thong
Review Sách Tư Duy Có Hệ Thống

Người ta từng kỳ vọng rằng thời đại công nghệ thông tin sẽ là bàn đạp cho một thế giới minh bạch, nơi mà mọi người đều có quyền tiếp cận với những thông tin mới nhất, chính xác nhất và khách quan nhất.

Tuy vậy, nếu họ có quyền lựa chọn thông tin thì cũng có quyền tự sáng tạo ra thông tin. Đâu là thật, đâu là giả, không ai có thể kiểm chứng. Trong thế giới thông tin thật giả lẫn lộn đan xen này, phải rất tỉnh táo để giữ cho mình luôn tư duy rành mạch và có hệ thống.

Đọc cuốn sách Tư Duy Có Hệ Thống của Daniel J. Levitin để biết cách tư duy khách quan, có tổ chức và duy lý – một kỹ năng cần thiết trong thời đại ngày nay.

Tác giả cuốn Tư Duy Có Hệ Thống

Tư Duy Có Hệ Thống là cuốn sách của tác giả Daniel Joseph Levitin. Ông là một nhà thần kinh học, tâm lý học nhận thức, nhà văn, nhà soạn nhạc và sản xuất âm nhạc người Mỹ. Daniel đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực tâm lý học và thần kinh học hành vi. Ông đã được phong tặng danh hiệu giáo sư danh dự James McGill tại đại học McGill tại Quebec, Canada. 

Daniel Levitin là tác giả của nhiều đầu sách ăn khách: Trí tuệ âm nhạc, Thế giới trong sáu bài hát, Tư duy có hệ thống và Bản chỉ dẫn cơ bản về sự dối trá. Nhiều bài báo khoa học về mối liên quan giữa âm nhạc và tâm lý học của ông cũng rất được quan tâm.

Cuốn Tư Duy Có Hệ Thống của ông đã lọt top bán chạy của nhiều tờ báo lớn như New York Times, London Times và Amazon.

review-sach-tu-duy-co-he-thong
Review Sách Tư Duy Có Hệ Thống

Sách hay nên đọc: Review sách Tư Duy Sâu – những phương pháp tư duy giúp bạn thông thái hơn

Nội dung cuốn sách Tư Duy Có Hệ Thống

Viết về cách tư duy tổ chức và rành mạch, cuốn sách Tư Duy Có Hệ Thống được chia thành 9 chương:

Chương 1: Quá nhiều thông tin, quá nhiều quyết định: Lịch sử nội tại của quá tải nhận thức

Chưa khi nào trong lịch sử, con người lại rơi vào trạng thái quá tải nhận thức như ngày nay. Mỗi ngày chúng ta phải xử lý 34 gigabyte thông tin. Mỗi ngày trên thế giới sản xuất ra 85 000 chương trình tivi, 6 000 giờ video youtube. Đó mới chỉ là năm 2011. 

Việc của chúng ta là cố gắng phân chọn lọc thông tin quan trọng giữa những thứ lặt vặt không đáng lưu tâm và giữa cho mình không bị mệt mỏi và choáng ngợp với những quả bom thông tin liên tục dội vào nhận thức.

Chương 2: Những điều đầu tiên cần hiểu rõ: Hệ thống tập trung và kí ức làm việc như thế nào?

Hệ thống tập trung bao gồm 4 thành phần: trạng thái suy nghĩ mông lung, trạng thái xử lý trung tâm, lưới lọc tập trung và bộ đổi lập trung giúp điều phối tài nguyên của hệ thần kinh và chuyển hóa sinh học giữa các trạng thái suy nghĩ.

Chúng ta có thể quên hay nhớ ký ức vì nhiều vùng của não có thể ngủ trong một khoảng thời gian mà chúng ta không hề nhận biết được. Đó là giải thích đơn giản cho việc chúng ta hay để quên đồ hay bỏ sót những việc quan trọng.

Chương 3: Ngôi nhà của bạn: Khi mọi thứ bắt đầu tiến triển tốt hơn

Chúng ta có thể áp dụng cách sắp xếp đồ đạc trong siêu thị vào chính ngôi nhà của mình. Xếp những thứ có cùng công dụng vào cùng một khu vực. Phân chia các dạng tập tin, đừng giữ những gì bạn không cần dùng đến, giảm tải chức năng ghi nhớ ra môi trường xung quanh thay vì cứ giữ chúng trong đầu.

Chương 4: Tổ chức các mối quan hệ xã hội: quan hệ giữa con người ngày nay

Chương 4 cuốn sách Tư Duy Có Hệ Thống chỉ cho ta cách sắp xếp các mối quan hệ. Trong công việc, bạn có thể phân loại bằng cách đánh dấu lên danh thiếp của họ. Người càng thường xuyên liên lạc thì càng cần những ghi chú chi tiết.

Với bạn bè và những mối quan hệ tình cảm, hãy dựa trên nhiều động lực và nhu cầu.

Chương 5: Sắp xếp thời gian: Điều gì vẫn còn là bí mật

Điều cốt lõi để có thể tập trung vào công việc là tập trung vào những điều bạn có thể hoàn thành và bỏ qua những yếu tố gây nhiễu từ môi trường xung quanh. 

Ngủ đủ giấc sẽ giúp chúng ta có thời gian tổng hợp, đồng hóa và trừu tượng hóa vấn đề. Ngủ ít trong hai đến ba ngày có thể ảnh hưởng đến ký ức của bạn trong vài tháng sau đó.

review-sach-tu-duy-co-he-thong.png-2
Review Sách Tư Duy Có Hệ Thống

Sách hay nên đọc: Review sách Rèn Luyện Tư Duy Phản Biện – hiểu về bộ não để lập luận thông minh hơn

Chương 6: Tổ chức thông tin cho những quyết định khó khăn nhất: Khi cuộc sống còn rất mong manh

Hãy chia các tình huống trong cuộc sống ra thành 4 trường hợp:

  1. Những lựa chọn có thể quyết định ngay vì câu trả lời đã quá rõ ràng
  2. Những lựa chọn có thể nhờ người khác có nhiều thời gian và chuyên môn hơn xử lý.
  3. Những lựa chọn bạn đã có đủ thông tin cần thiết nhưng cần thời gian để xử lý những thông tin đó.
  4. Những lựa chọn bạn cần có thêm thông tin.

Chương 7: Tổ chức công việc: chúng ta tạo ra giá trị bằng cách nào?

Các quyết định trong một tổ chức có thể đưa ra bởi một cá nhân, nhưng trong phần lớn thời gian, đó là những quyết định được đưa ra bởi cả tập thể sau một quá trình thảo luận. Trong tổ chức theo cấu trúc dọc nhiều tầng, quyền hạn và mệnh lệnh sẽ càng chi tiết hơn theo chiều đi xuống.

Để tổ chức công việc chung một cách có hiệu quả, các nhà lãnh đạo cần học cách tăng cường gắn kết trên nền tảng tin tưởng lẫn nhau; tạo dựng sự hiểu biết chung; đặt ra kỳ vọng và mục tiêu cụ thể, rõ ràng; cho phép nhân viên các cấp chủ động hành động trong phạm vi cho phép và chấp nhận rủi ro thận trọng.

Chương 8: Những gì truyền lại cho hậu thế: tương lai của một tư duy có hệ thống

Tư duy một cách hệ thống là điều vô cùng quan trọng mà chúng ta nên truyền dạy cho thế hệ sau này. Hãy bắt đầu dạy trẻ những việc đơn giản như sắp xếp đồ chơi, quần áo rồi dần dần là những kỹ năng thông tin và ước lượng. Khi được dạy cách tổ chức, sắp xếp mọi thứ xung quanh thì khả năng nhận thức và học hỏi của trẻ sẽ phát triển nhanh hơn rất nhiều.

Chương 9: Tất cả những thứ khác: tầm quan trọng của ngăn kéo rác

Cho dù có những kỳ vọng về việc sắp xếp hệ thống và rành mạch, sẽ có rất nhiều thông tin nằm ở ranh giới mong manh. Vậy nên, đừng kỳ vọng vào việc chúng ta phải hoàn hảo đến từng chi tiết. Với những thông tin không quan trọng, hãy cho nó vào ngăn kéo rác để tư duy của bạn được nhẹ nhàng.

Nhận xét về cuốn sách Tư Duy Có Hệ Thống

Tư Duy Có Hệ Thống cung cấp nhiều thông tin hữu ích về hệ thần kinh con người, cách chúng ta tận dụng sức mạnh của tư duy để phân chia các khía cạnh trong cuộc sống. Sách cung cấp cơ sở khoa học, các thí nghiệm thực tiễn làm dẫn chứng cho các luận điểm của tác giả nên chúng ta có thể tin tưởng được.

Tuy vậy, điểm trừ của một cuốn sách viết về tư duy có hệ thống là cách sắp xếp các phần trong sách chưa thực sự hệ thống. Các chương dường như chưa có nhiều mối liên hệ bổ trợ mà khá độc lập và rời rạc. Sách cũng tương đối năng lý thuyết và hàn lâm nên sẽ chưa phù hợp với những ai tìm kiếm kiến thức thực tế.

Trích dẫn từ cuốn Tư Duy Có Hệ Thống

Nhu cầu kiểm soát hệ thống nhận thức và ký ức của con người chưa bao giờ lớn đến thế. Não bộ của chúng ta đang bận rộn hơn bao giờ hết bởi vô vàn những nội dung thực tế, nội dung phi thực tế, chuyện phiếm và tin đồn vây quanh, núp dưới danh nghĩa thông tin. Phân biệt được những thông tin hữu ích với thông tin có thể bỏ qua là điều rất mệt mỏi, nhưng chúng ta ngày càng phải làm nhiều hơn.

Có một sự thoải mái khó tả mỗi khi ta mở một ngăn kéo và thấy mọi thứ trong đó đều thuộc về cùng một loại hay tìm kiếm đồ đạc trong một ngăn tủ ngăn nắp. Không phải lục tung mọi thứ sẽ giúp bạn tiết kiệm năng lượng cho những công việc khác cần nhiều sức sáng tạo hơn. Trên thực tế, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu có thể tránh được mối lo không tìm được vật đang tìm.

Mỗi khi không tìm thấy thứ gì đó, trí não của bạn sẽ bị đẩy vào một trạng thái cảnh giác độc hại như một màn sương mù mơ hồ, không phải tập trung mà cũng chẳng giống thư giãn. Cách tổ chức các nhóm của mình cẩn thận, môi trường xung quanh bạn, và dĩ nhiên là cả tâm trí bạn nữa, sẽ càng ngăn nắp hơn.

review-sach-tu-duy-co-he-thong.png-3
Review Sách Tư Duy Có Hệ Thống

Với hàng ngàn đồ vật khác nhau trong ngôi nhà hiện đại thì đây rõ ràng không phải là những vấn đề mà tổ tiên xa xưa của loài người gặp phải, nhưng họ lại phải đối mặt với những vấn đề gây stress khác hẳn so với chúng ta ngày nay, bao gồm cả nguy cơ bị mất mạng bất cứ lúc nào.

Chúng ta cần phải thực sự năng động trong việc giảm thiểu tác nhân gây stress bằng cách làm những việc giúp não bộ được thư thái như trải nghiệm thiên nhiên và nghệ thuật, thường xuyên đưa trí não về trạng thái suy nghĩ mông lung và dành thời gian bên bạn bè. 

Đến khoảng năm 1850, số lượng người trong một gia đình ở châu Âu đã giảm từ khoảng 20 xuống còn 10 người sống gần nhau, và đến năm 1960 thì chỉ còn năm. Ngày nay, 50% người Mỹ sống một mình. Càng ít người có con hơn, và nếu có thì cũng có ít hơn. Trong hàng chục nghìn năm, cuộc sống của con người chỉ xoay quanh gia đình; sang kỷ nguyên của công nghiệp hóa, điều đó không còn đúng nữa.

Thay vào đó, chúng ta đã tạo ra vô số những mối quan hệ xã hội khác chồng chéo lên nhau với những người ở chỗ làm, với những người có chung sở thích hay với hàng xóm láng giềng. Chúng ta trở thành bạn của bố mẹ của bạn của con mình hay thậm chí là bạn của chủ của chú chó của mình. Chúng ta xây dựng và duy trì mạng xã hội với bạn bè từ thời đại học hay trung học, nhưng ngày càng xa rời gia đình hơn. Chúng ta gặp nhiều người lạ hơn và đưa họ vào cuộc sống của mình theo những cách rất mới.

Lời kết

Cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều nếu chúng ta biết cách sắp xếp những suy nghĩ của mình một cách khoa học, rành mạch và có tổ chức. Đọc cuốn sách Tư Duy Có Hệ Thống để rèn luyện não bộ hoạt động hiệu quả trong cuộc sống tràn ngập thông tin này.

Sách hay nên đọc: Review: Nghệ thuật tư duy rành mạch – Bí quyết khiến bạn có thể quyết định nhanh chóng và chính xác

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây