Review Sách Gáy Người Thì Lạnh – Những Suy Ngẫm Trước Sự Đổi Thay Của Cuộc Đời

0
2116
review-sach-gay-nguoi-thi-lanh

Gáy Người Thì Lạnh – cái tên ban đầu sẽ khiến bạn liên tưởng tới một cuốn truyện kinh dị. Nhưng không, đó là cuốn tản văn của tác giả Nguyễn Ngọc Tư, gồm nhiều truyện ngắn và cực ngắn nhưng để lại trong lòng người đọc vô khối trăn trở trước sự đổi thay của thời cuộc và lòng người.

Tác giả cuốn Gáy Người Thì Lạnh

Nguyễn Ngọc Tư – một tác giả vô cùng quen thuộc của văn học Việt Nam hiện đại, gây tiếng vang từ tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận và đến nay vẫn hút hồn người đọc với những tác phẩm Khói trời lộng lẫy, Không ai qua sông hay mới đây là Gáy Người Thì Lạnh.

Nguyễn Ngọc Tư khiến người đọc say mê văn của cô không bởi văn phong trẻ trung, hiện đại mà bởi chất tình, chất tự sự và những nỗi buồn ấm áp toả ra từ con chữ. Tác giả này có thể coi là nét chấm phá của văn học Việt Nam hiện đại bởi những nét đặc sắc trong sáng tác của cô.

review-sach-gay-nguoi-thi-lanh-2
Review sách: Gáy Người Thì Lạnh – những suy ngẫm trước sự đổi thay của cuộc đời

Sách hay nên đọc: Review sách: Cánh đồng bất tận – vì đâu một nửa hồn tôi hóa dại khờ

Công ty phát hành NXB Trẻ
Ngày xuất bản 2017-03-14 00:00:00
Kích thước 13x20cm
Loại bìa Bìa mềm
Số trang 200

Nội dung cuốn Gáy Người Thì Lạnh

Giống như những tác phẩm khác của Nguyễn Ngọc Tư, tập tản văn Gáy Người Thì Lạnh vẫn là những trang viết xoay quanh cuộc sống và con người tại miền Tây sông nước. Nhưng lần này không phải là những chuyện tình buồn, không phải ám ảnh và day dứt cảnh kẻ ở người đi mà là những đổi thay trong nội tâm con người. Đan xen trong những trang viết, ta vẫn thấy thấp thoáng nét đặc trưng trong văn học Nguyễn Ngọc Tư.

Người miền Tây

Nổi bật lên trong Gáy Người Thì Lạnh là hình ảnh người mẹ, người cha, người ông, người bà khiến ai đọc sách cũng giật mình trông về gia đình của mình. Tình cảm gia đình trong cuốn sách này được tác giả gợi nhiều hơn là tả. Chỉ một vài nét bút, tác giả đã khiến người đọc ngập tràn những hoài niệm về những bóng hình thân thương.

Lá bay ngoài đường rơi bạn mơ màng “bà già tao tầm bốn giờ sáng là xách chổi đi quét lá ngoài sân”. Một người bán quà rong đi ngang qua bạn chép miệng,  “bà già tao ưa bánh phồng nếp nướng”. Ngồi trong quán ngó trời mưa, mà mắt bạn ngậm sương như thể trước mặt thấp thoáng dáng một người phụ nữ đang súc rửa mấy cái lu, đắp đất be quanh nền nhà chống ngập, lấy tấm cao su căng che cho mùng con khỏi dột.”

Sách kể về người cha đi bán kem giữa trưa hè nắng gắt khô cằn sỏi đá. Người cha được ví như cây hoa giấy bung đỏ giữa biển nắng miền Tây, dù cực mấy vẫn gắng chịu để nuôi con đang tuổi đi học.

Sách có người bà sống một mình chỉ mong cháu về. Hay hoài niệm về bóng lưng người ông chèo xuồng, một bóng lưng thân quen nhưng gánh gồng, cô độc.

Thiên nhiên miền Tây

Đọc sách Gáy Người Thì Lạnh hẳn thấy tác giả dành nhiều tình thương cho mảnh đất này lắm. Đẹp, thương, buồn và nghèo, đó là những gì ta có thể cảm nhận về mảnh đất miền Tây trong tâm trí Nguyễn Ngọc Tư.

review-sach-gay-nguoi-thi-lanh-3
Review sách: Gáy Người Thì Lạnh – những suy ngẫm trước sự đổi thay của cuộc đời

Sách hay nên đọc: Review sách: Đảo | Nguyễn Ngọc Tư – tiếng hét vô vọng để được nhìn thấy

“Dầm chân trong sình lầy, mỗi cây là một đìu hiu, họp lại làm rừng cũng là một rừng đìu hiu, buồn buồn. Ngửa mặt thấy phía trên những nhánh bần de ra lòng rạch là trăng chiều mỏng và lạnh. Cảnh này có mà thả cụ Charlie Chaplin vô giễu thì cũng không cười nổi. Riêng cái tên bần thôi nghe đã có chút ngậm ngùi rồi.”

Đọc cuốn sách, ta có thêm hình dung về miên Tây mùa nước nổi, hay khi người dân đem phơi trước nhà những lát chuối sánh mật, chờ khô dẻo để nhâm nhi với một tách trà và mùi khóm ngào đường toả ra từ căn bếp nào đó.

Trong cuốn sách này, Nguyễn Ngọc Tư không nói nhiều về sông nước với những người nông dân nuôi vịt chạy đồng mà nói nhiều đến những khoảng trời bị chia cắt bởi nhà cao tầng xuất hiện trên đất Cà Mau.

Những thay đổi

Vạn vật liên tục thay đổi, đó đã là quy luật tất yếu của vũ trụ. Nhưng với những tâm hồn ưa nhìn về cái cũ, muốn níu giữ những nét đẹp của quá khứ thì sự thay đổi ấy thật khó chấp nhận. Càng khó hơn khi sự đổi thay làm tàn dần, hay biến mất hoàn toàn những gì tốt đẹp thuộc về thiên nhiên, xứ sở.

“Một thành phố nhỏ biết làm nên những tổn thương. Cho những cư dân của nó, những người nhớ và xa nó. Bạn đi khỏi một ngày, lúc về đã thấy cây me keo quỳ trước trường mẫu giáo bị đốn hạ, choáng váng một khoảng trời. Bạn xa thành phố một năm, lốm đốm những ngôi nhà xây mới bên đường, cây xanh lâu năm vắng thưa đi, lại thêm những khoảng trời ngơ ngác.

Bạn rời khỏi nó năm bảy năm, ngày trở lại đứng tần ngần ở mấy bùng binh, con đường nào cũng thênh thang lạ hoắc, bầu trời ngày xưa giờ bị cắt vụn bởi những nhà cao tầng. Và nếu bạn đã hơn mười năm xa, bạn sẽ không biết những kinh rạch đã từng chảy thong dong, mát trong dưới lòng đô thị bây giờ nằm dưới dãy phố nào… Một cụm tượng đài cao và nhọn hoắt, mấy anh chị sĩ nông công thương đứng trên ấy mỗi người cô đơn ngó một hướng. Buổi tan tầm xe cộ cũng đông, cũng inh ỏi, vội vàng như Cần Thơ, Sài Gòn.”

Và suy ngẫm

Thay đổi từ hoàn cảnh gây ra thay đổi trong lòng người, hay chính lòng người đổi thay đã làm hoàn cảnh đổi khác. Buồn trước những biến chuyển của thời cuộc, Nguyễn Ngọc Tư còn dằn vặt và suy tư nhiều hơn trước những gương mặt quen mà lòng đã khác.

Cả một gia đình hồn hậu, sởi lởi, mến khách nay bị “thương mại hoá”, nghĩ nhiều về cái lợi trước mắt mà bỏ quên những mối thân tình xưa. Suy nghĩ về được và mất, về những gì còn lại, tác giả có viết:

“Nhưng giờ cái gia đình nhỏ kia nhắc tôi nhớ rằng, con người còn dễ bị đánh mất hơn cả thiên nhiên, vì người có khả năng tự đánh mất mình.” Buồn, nhưng là sự thật.

Nét đặc biệt của tác phẩm Gáy Người Thì Lạnh

Những câu chuyện trong tác phẩm Gáy Người Thì Lạnh đều ngắn, thậm chí là rất ngắn. Truyện chỉ kể về những điều rất đỗi bình thường nhưng luôn để lại trong lòng người đọc muôn vàn suy ngẫm. Thậm chí chỉ một câu kết ngắn ngủi cũng khiến người ta phải bật cười chua chát.

Nói về truyện của Nguyễn Ngọc Tư mà không bàn về ngôn từ thì chưa trọn vẹn. Trong Gáy Người Thì Lạnh, tác giả dùng từ rất khéo, cảm giác những từ đơn giản mà đồng thời có thể đong đầy mùi vị, âm thanh và cả ký ức.

review-sach-gay-nguoi-thi-lanh
Review sách: Gáy Người Thì Lạnh – những suy ngẫm trước sự đổi thay của cuộc đời

“Mỗi lần bày ra trước mặt trang giấy trắng định kể một câu chuyện, cảm thấy chữ nghĩa ngày càng thưa vắng, cùn mòn.

Chúng rơi rụng ở những lần kẹt cứng giữa dòng người kẹt cứng.

Chúng mai một lem luốc giữa đám khói bụi mù.

Chúng tan tác trong tiếng còi xe.

Chúng bị chìm trôi vật vờ trên những con đường chìm trong nước và rác rưởi.”

(Trích “Gáy Người Thì Lạnh”)

Lời kết

Đọc tác phẩm Gáy Người Thì Lạnh sẽ giúp chúng ta sống chậm hơn, ngẫm lại mình. Liệu chúng ta có thay đổi, sau những tháng ngày qua?

Sách hay nên đọc: Review sách: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – một lần tìm về bầu trời tuổi thơ êm đềm, tĩnh lặng

Cảm Nhận Của Độc Giả


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây