Review Sách Đảo | Nguyễn Ngọc Tư – Tiếng Hét Vô Vọng Để Được Nhìn Thấy

0
2220
review-sach-dao-nguyen-ngoc-tu-2

“Những truyện ngắn không thể ngắn hơn. Có thể nói đó là những bài thơ viết bằng văn xuôi về số phận của những con người đấu tranh trong tuyệt vọng để được nhìn thấy.

Với Đảo, dường như Nguyễn Ngọc Tư đang ra khỏi hiện thực của những cánh đồng bất tận để tìm thấy vùng hỗn mang trong tâm trí con người.

Đảo – tập truyện ngắn xuất sắc của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư sẽ đưa chúng ta lênh đênh trên con thuyền chở đầy chữ, lạc vào vùng nội tâm hỗn loạn của những con người bé nhỏ, cô đơn.

Tác giả Nguyễn Ngọc Tư và tập truyện Đảo

Nguyễn Ngọc Tư là cái tên nổi bật trong nền văn học hiện đại Việt Nam bởi những truyện ngắn u hoài trầm lặng, kể về đời sống gắn bó của người dân quê miền Năm với con kinh con rạch và những biến động thầm lặng trong tâm hồn của những con người này. 

Trên bức phông nền bình lặng của miền Nam sông nước, con đò Nguyễn Ngọc Tư xuôi vào đời sống hiện tại, khuấy lên những giá trị xã hội đang dần đảo ngược mà chính những con người ấy cũng không hay.

review-sach-dao-nguyen-ngoc-tu-2
Review sách: Đảo – Nguyễn Ngọc Tư

Sách hay nên đọc: Review sách: Cánh đồng bất tận – vì đâu một nửa hồn tôi hóa dại khờ

Công ty phát hành NXB Trẻ

Nội dung tác phẩm Đảo – Nguyễn Ngọc Tư

Đảo là tập truyện ngắn bao gồm 17 truyện không thể ngắn hơn. Mỗi câu chuyện dài không tới 2000 chữ đã kể lại một cách thần tình đời sống tinh thần của những con người sống trong cảnh quê buồn tẻ.

Đó là một chàng trai si tình mang trong mình mong muốn được Hảo nhìn thấy, ấy vậy rồi cũng biến mất trong vô vọng như kẻ bạc tình mà Hảo luôn mong chờ.

Đó là một người anh không được các em coi trọng chỉ vì câu nói của người cha đã khuất. “Mày không phải là con tao” đã khiến anh day dứt và điên cuồng mong mỏi anh em đoàn kết, cùng nhau ngồi ăn một bữa cơm.

Đó là người mẹ mải mê theo đuổi những đường chỉ tay rồi để quên đứa con ở chợ. Sau này, bàn tay ấy đã tìm về với bà nhưng đứa con thì ở tận một nơi xa.

Đó là người vợ bất hạnh, suốt đời chỉ xây nhà cho chồng đốt nhưng đến cuối cùng lại chọn đốt thân mình trong đám tro tàn. Tất cả, chỉ để mong, được chồng chú ý tới.

Tại sao tập truyện ngắn này lại mang tên Đảo? Đảo mang đến hình dung về một chấm tròn lạc lõng và cô tịch giữa dòng nước chảy xiết. Không ai quan tâm, không ai nhìn đến, Đảo là những con người cô độc, sống lay lắt trong thế giới nội tâm của riêng mình và luôn khát khao được những người xung quanh một lần để mắt tới.

Nghệ thuật trong tác phẩm Đảo – Nguyễn Ngọc Tư

Nghê thuật tả cảnh 

Như tất cả những tác phẩm khác của Nguyễn Ngọc Tư, dù là truyện ngắn, truyện dài, văn xuôi hay là thơ thì người ta đều nhận ra cái chất Nam Bộ đặc trưng trong đó. Con người và cảnh vật Nam Bộ tuy có buồn nhưng vẫn hiện lên đơn sơ và rất đỗi thân thương.

Những miêu tả trong văn Nguyễn Ngọc Tư không đẹp một cách sang trọng và ước lệ mà dung dị, chân thật và “đời” đến vô cùng.

review-sach-dao-nguyen-ngoc-tu
Review sách Đảo – Nguyễn Ngọc Tư

Sách hay nên đọc: Review sách: Vang bóng một thời – nơi cây bút tài hoa lưu giữ cái hồn dân tộc

“Trời vẫn mưa rúc rắc, gió xé qua song cửa làm trứng mọt bay vào mắt khách. Chìa chén đũa cho người đàn ông lạ, Ái nói khỏi lo đi, mưa tạnh rồi tính, gặp bữa ăn cơm. Một lớp nước mắm phủ lên mặt nồi kho, bên dưới là mớ cá lìm kìm, lần đầu tiên khách biết kiểu kho đắp mền. Ái hơi ngại vì bữa cơm chỏng chơ mỗi món, tắc lưỡi nói phải không mưa bẻ rau muống bóp giấm ăn kèm. Một nắm mưa đậu lại trên tóc Ái, từng hạt tròn trong veo.”

Ngôn từ đậm chất Nam Bộ 

Nói thật rằng đề tài trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư không mới, đó chỉ là những câu chuyện đời thường về những người nông dân bình dị, quê mùa. Dẫu vậy, những sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư vẫn lôi cuốn người đọc bởi cái nhìn đầy chân thật và nhân hậu. 

Chất bình dị ấy được thể hiện trong ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ mà nhà văn sử dụng thông qua mật độ phương ngữ dày đặc. Những từ ngữ cô sử dụng đều bắt nguồn từ cuộc sống đời thường. 

Những nhận xét xung quanh Đảo – Nguyễn Ngọc Tư

Những sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư đều viết về cuộc sống nghèo khổ, cơ cực của người dân Nam Bộ nên cũng có ý kiến cho rằng, nhà văn này đang cổ xúy cho tư tưởng bần hàn cố nông, tức là ca ngợi cái nghèo đói dai dẳng. 

Tuy nhiên, nếu nhìn các tác phẩm của cô với cái nhìn nhân đạo, ta sẽ thấy rằng nỗi buồn trong văn của Nguyễn Ngọc Tư xuất phát từ một tấm lòng cao cả, yêu thương và trân trọng những thân phận bé nhỏ,cơ cực, bần hàn. Những trang văn của cô nhắc chúng ta hãy chịu khó cúi xuống nhìn cuộc đời, để biết quanh mình còn nhiều cuộc đời đáng cảm thương và trân trọng.

review-sach-dao-nguyen-ngoc-tu-3
Review sách Đảo – Nguyễn Ngọc Tư

Lời kết

Đảo của Nguyễn Ngọc Tư là một tập truyện ngắn đặc sắc. Sách hay từ cốt truyện, nhân vật cho tới ngôn từ. Cơ mà, chống chỉ định đọc truyện vào những ngày lòng nổi sóng, vì đã buồn mà đọc truyện cô Tư thì chỉ có thể thấy càng buồn hơn.

Sách hay nên đọc: Review sách: Sống Mòn – những kiếp người quẩn quanh trong xã hội tù túng

Cảm Nhận Của Độc Giả

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây