Nỗi buồn kẻ ở người đi vẫn thường được người ta nhắc tới trong văn chương, khi một người dứt áo ra đi thì người kia như vụt mất mảnh hồn lưu lạc
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi hóa dại khờ
Nếu nói đến những câu chuyện người đi kẻ ở buồn đến nao lòng như thế, thật là thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Tập truyện ngắn của nhà văn trẻ đã mang tới “những câu chuyện hoàn toàn mới mẻ, với sự trầm tư mang nặng chiều sâu hiện thực xã hội, làm chấn động trái tim người đọc… Những áng văn lôi cuốn, dạt dào cảm xúc.”
Mục Lục
Tác giả cuốn Cánh đồng bất tận
Tác giả tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận là nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư. Chính tập truyện ngắn này đã mang cái tên Nguyễn Ngọc Tư đến gần hơn với bạn đọc Việt Nam và những người yêu chữ trên toàn thế giới.
Nguyễn Ngọc Tư sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo khó. Hết cấp trung học cơ sở, cô đã nghỉ học và xin làm việc tại một cơ quan văn nghệ báo chí tỉnh Cà Mau để nuôi dưỡng nghiệp cầm bút của mình.
Nữ tác giả này vẫn được người đọc yêu mến gọi bằng cái tên thân thương là cô Tư bởi những tác phẩm dung dị, mộc mạc và tràn đầy tình yêu thương. Ngọn đèn không tắt, Nước chảy mây trôi hay Cánh đồng bất tận là những cái tên đã đi vào lòng người đọc với phong cách bình dị, đầy nắng gió phương Nam.
Sách hay nên đọc: Review sách: Nhật ký Đặng Thùy Trâm – cuốn nhật ký lưu giữ ngọn lửa không bao giờ tắt của tuổi trẻ
Công ty phát hành | NXB Trẻ |
Ngày xuất bản | 2019-01-04 00:00:00 |
Kích thước | 13 x 20 cm |
Loại bìa | Bìa mềm |
Số trang | 220 |
Nội dung tác phẩm Cánh đồng bất tận
Cánh đồng bất tận là tuyển tập các truyện ngắn kể về cuộc đời của những người dân Nam Bộ, thường là những con người ngày đêm lênh đênh với sông nước. Ẩn sau những câu truyện về cuộc sống đời thường của họ, tác giả đan vào đó những khúc quanh, những ngã rẽ cuộc đời khi có một người lặng lẽ rời đi.
Mở đầu tập truyện là Cải ơi với người cha già cố tình đi ăn trộm trâu của người ta để được lên TV tìm đứa con gái thất lạc. Là Thương quá rau răm với cô thiếu nữ mòn mỏi trông mong chàng trai đã bỏ cù lao về tuột miền thành phố xa xôi. Là anh Hết nghèo khó, phải nhìn người yêu đi lấy chồng mà lòng câm nín nhưng cũng đặng vì gia cảnh quá nghèo.
“Tranh thủ chưa làm lễ, chị Hoài rủ chị Hảo mang cả áo xống chạy ra, nhìn anh như nhìn lần chót, như lấy chồng là chết vậy. Anh Hết dứt khoát không ngước lên. Thôi, không nắm níu gì được nữa rồi, nghe người ta kiếm cô dâu, hai chị quay vào. Đi một đoạn, nghe đám con nít rộ lên, anh Hết, sao mà khóc vậy. Đâu có. Có mà, đó thấy chưa. Hết cười lớn, nói lớn, “Ừ, tại tao thương con chốt. Qua sông là không mong về”…
Chị Hoài vừa đi vừa khóc. Lời của anh Hết làm chị Hảo thương điếng trong lòng. Con người nầy, nghĩa biết trọng mà tình cũng thâm.
(Hiu hiu gió bấc)
Rồi cứ như ai mắc nợ ai từ kiếp trước, người ta đi rồi mà lòng đau nhói, đau đến lặng người nhưng cứ trông mãi không thôi.
Nhắc đến Cánh đồng bất tận thì không thể bỏ qua truyện ngắn cùng tên, một tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Ngọc Tư đã được dựng thành phim và để lại bao ám ảnh trong lòng người theo dõi.
Sách hay nên đọc: Review truyện ngắn Mắt biếc – vì yêu đơn phương là chết ở trong lòng một chút…
Đó là câu chuyện về cuộc sống lênh đênh sông nước theo vịt chạy đồng của ba cha con ông Tư với hai đứa trẻ Nương và Điền thiếu vắng tình thương người mẹ, cùng người đàn bà nay đây mai đó tên là Sương.
Những tưởng những mảnh đời trôi dạt này sẽ ôm lấy nhau để sống nốt quãng đời còn lại nhưng ngang trái số phận và những sự lựa chọn sai lầm đã đẩy cuộc đời họ đến tận cùng đau khố, bế tắc và cay đắng. Câu chuyện đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi nhưng không thể phủ nhận đây là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học và điện ảnh Việt Nam.
Những áng văn của Nguyễn Ngọc Tư ám ảnh đến nỗi người ta chẳng dám một mạch đọc hết cuốn sách, vì những nỗi buồn cắt cứa, vì những số phận hẩm hiu, vì những mảnh đời lưu lạc ngỡ đã chạm lấy nhau nhưng rồi lại đẩy nhau đi xa, xa mãi.
Nghệ thuật trong tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận
Thành thật mà nói thì đề tài trong truyện Nguyễn Ngọc Tư không mới, đó chỉ là những câu chuyện đời thường của những người nông dân chân quê, bình dị. Nhưng cái chất bình dị ấy đã được nhà văn nâng tầm nghệ thuật với thứ ngôn ngữ Nam Bộ cũng hết sức chân quê. Khắp các trang văn trong Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư là mật độ phương ngữ xuất hiện dày đặc, nhà văn đã sử dụng tinh tế và triệt để thứ ngôn ngữ của quê hương để bày tỏ cảm xúc trong những sáng tác của cô.
Ông Sáu ngừng lại, lấy tay quệt nước mắt, “Cái con bìm bịp quỷ nầy nó cũng bỏ qua mấy lần nhưng ngủ một đêm trên đọt dừa nó lại quay về. Sao cổ không quay lại?”. Phi không biết. Không biết.
(Biển người mênh mông)
Một điểm đặc sắc trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư là những đoạn tả cảnh xuất sắc. Cảm giác cảnh vật cũng nhuốm màu nội tâm khi được nhìn qua con mắt của những con người cô đơn, sống đời nổi trôi, nay đây mai đó.
Lúc và cơm, tôi hay bị ảo giác, tưởng mình đang ngồi trên cánh đồng của chín năm trước. Một cánh đồng miên viễn với gió lắt lay những khói nắng héo xèo, một nhúm mây rất mỏng và rời rạc bay tha thểu trên cao. Đường chân trời mờ mờ xa ngái.
Một vài gò mả loang lổ dưới chòm trâm bầu. Tiếng chim kêu nhỏ từng giọt buồn thiu. Mùi ra mới quyện với bùn tanh tanh. Bầy vịt rúc đầu vào nách, ngủ ơ hờ dưới bóng cây tra treo từng chùm bông vàng tuyệt vọng lay như những chiếc chuông câm. Cảnh không đổi, người cũng không, cứ ngoáy mãi vết thương cũ, nhỏ nước mắt.
(Cánh đồng bất tận)
Lời kết
Tồn tại rất nhiều tranh luận xung quanh truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Tuy vậy, chúng ta vẫn không thể phủ nhận ngòi bút bậc thầy của tác giả này trong việc thấu hiểu nội tâm nhân vật. Chị đã vạch ra những tầng sâu nhất trong nội tâm con người, để người đọc chúng ta thấu được thế nào là yêu, đau, đợi, mong, thương, hận.
Những mối quan hệ tình cảm và kinh tế ở châu thổ sông Mê Không đã được khắc họa vô cùng tinh tế. Cảm ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vì đã mang đến cho người đọc Việt Nam một tác phẩm hiện thực nhưng xúc động tự nhiên đi vào lòng người.
Sách hay nên đọc: Review sách: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – một vé đi thôi không cần quay trở lại