Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là truyện ngắn được xếp vào hạng best seller của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bởi nội dung truyện vô cùng thú vị. Nếu có ai đó hỏi tôi, nên chọn cuốn sách nào cho một cuối tuần thư giãn thì tôi sẽ chẳng phải nghĩ ngợi mà đề xuất ngay cuốn sách tuyệt vời này. Xuất bản năm 2008, cuốn sách đã tạo nên tiếng vang lớn tại Việt Nam và còn đạt giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2010.
Mục Lục
Giới Thiệu Tác Giả Sách Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ
Nguyễn Nhật Ánh là cái tên không còn xa lạ gì với bạn đọc Việt Nam. Ông như là người bạn thân quen với rất nhiều thế hệ người Việt yêu sách. Chính Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã đưa tên tuổi của ông đến gần hơn với độc giả nước nhà. Tác phẩm này nổi tiếng đến nỗi câu nói “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều bạn trẻ Việt và thậm chí còn có một bài hát cùng tên cũng rất nổi tiếng.
Thông Tin Cơ Bản Của Cuốn Sách Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ
Công ty phát hành | NXB Trẻ |
Ngày xuất bản | 11-2018 |
Kích thước | 13 x 20 cm |
Loại bìa | Bìa mềm |
Số trang | 208 |
Nội Dung Sách Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ
Nghe tên đã phần nào đoán được nội dung. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ sẽ là chuyến tàu đi hành ngược thời gian, đưa người đọc trở lại quãng thời gian đẹp đẽ khi còn là những cô bé cậu bé tiểu học. Sách kể lại hàng loạt những kỉ niệm khó quên, những “chiến tích” của tuổi thơ mà ai cũng từng là một phần trong đó.
Sức Sáng Tạo Vô Biên Của Lũ Trẻ
Thế hệ 8x, 9x khi tuổi thơ gắn liền với nắng, gió, tiếng ve và những trưa trốn ngủ đi chơi hẳn sẽ thấy sách sao mà gần gũi và thân thương đến thế. Người kể chuyện – cu Mùi, kể lại tuổi thơ dữ dội với đồng bọn là Hải cò, Tí sún và con Tủn.
Ở cái tuổi ấy, những đứa trẻ chỉ hồn nhiên vui chơi, chẳng hề có nếp nhăn nào của cơm áo gạo tiền hay bộn bề cuộc sống. Mở đầu câu chuyện là lời thẩm định của cu Mùi 8 tuổi về cuộc sống xung quanh “Một ngày tôi thấy cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt” do cứ phải lặp đi lặp lại những việc làm thường ngày. Bằng trí tưởng tượng và óc sáng tạo xen lẫn khả năng phá hoại thần sầu của mình, cu Mùi cùng đám bạn đã nghĩ ra đủ thứ trò chơi.
“Nhiều người sợ nỗi buồn. Nhưng tôi không sợ. Tôi chỉ sợ một cuộc sống không buồn không vui, nói chung là nhạt nhẽo. Đôi khi chúng ta cũng cần có nỗi buồn làm bạn, nhất là lúc cuộc sống bỗng dưng trống trải và cảm giác cô độc xâm chiếm ta từng phút.”
Sách hay nên đọc: Truyện ngắn Mắt biếc – vì yêu đơn phương là chết ở trong lòng một chút…
Những Trò Chơi Giúp Hồi Tưởng Lại Tuổi Thơ
Chúng hò nhau chơi trò vợ chồng, đánh nhau đến rách áo chảy máu hay dở dở ương ương nên thử đặt tên khác cho các đồ vật. Trong thế giới muôn màu của lũ trẻ, cu Mùi được tôn lên làm hiệu trưởng, Hải cò là cảnh sát trưởng, Tí sún là Bạch Tuyết còn cái Tủn là tiếp viên hàng không. Khi đã quá chán với những bài học trên trường, chúng còn tự sáng tạo với những công thức toán học chưa từng có tiền lệ như 3 nhân 5 bằng mấy cũng được chứ sao cứ phải là 15.
Sau hàng loạt sự cố dở khóc dở người vì những trò chơi tự bày ra, bọn trẻ nhận ra cuộc sống có những chân lý không thể thay đổi. Tuy nhiên, chẳng dừng lại ở đó, 4 đứa nhóc tiếp tục cuộc phiêu lưu vô tận của mình bằng cách xới tung khu vườn nhà để chơi trò đi tìm kho báu. Trong thế giới của thiếu nhi cũng không thiếu tình yêu nhé. Câu chuyện tình yêu con nít với những ghen tuông hết sức “ơ kìa” giữa cu Mùi và Tủn khiến người đọc không khỏi bật cười khi theo dõi.
Đôi Khi Khiến Người Lớn Phải Suy Ngẫm
Vui là thế nhưng truyện cũng có nhiều chi tiết khiến người lớn phải một lần suy ngẫm. Ví như vụ ba cái Tí sún đã biến chú chó bé bỏng thành món ăn trên bàn nhậu đã khiến tình bạn của bọn trẻ bị ảnh hưởng không ít. Đó là chú chó mà cả 4 đứa trẻ đã hết lòng chăm sóc, huấn luyện và vô cùng yêu thương. Người lớn đôi khi vô tâm như vậy đó, họ hành động mà không nghĩ đến cảm xúc của con trẻ, để 4 đứa nhóc bàng hoàng và buồn tủi vô cùng.
Tại Sao Người Ta Yêu Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là một cuốn sách dễ khiến người ta say mê. Thanh thiếu niên đọc sách để cùng vui, cùng đồng cảm. Người lớn đọc sách để sống dậy trong lòng cảm giác vui vẻ thời thơ ấu mà chẳng bạc vàng nào mua được. Có khúc ta thấy vui, lòng như hoan ca vì được trở về những ngày tháng tươi đẹp, có lúc lòng lại man mác vì ôi thôi những ngày tháng ấy đã xa thật là xa rồi.
Khi đã trưởng thành, đã va vấp với những sóng gió cuộc đời, người ta đói khát cái cảm giác yên bình trong vòng tay bà, tay mẹ. Nhớ da diết những trưa hè phe phẩy tiếng quạt nan, được vô tư, được ngây dại thêm một lần trong đời.
Sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ cũng có giá trị thức tỉnh người đọc. Có những đoạn tác giả tả cảnh lũ trẻ mở phiên tòa phán xét lỗi lầm của người lớn. Điều ấy đôi khi làm bố mẹ phải thực sự suy nghĩ xem cách dạy con của mình đã đúng chưa? Mình có đang để ý để suy nghĩ của con hay không?
Trẻ con rồi cũng thành người lớn, những hành động của bố mẹ sẽ có ảnh hưởng lên tính cách của con cho đến mãi sau này. Bố mẹ à, mỗi đứa trẻ là một thiên tài sáng tạo. Hãy để con được thoải mái vùng vẫy trong thế giới tưởng tượng của mình. Hãy lấp đầy tuổi thơ của con với những kỉ niệm hồn nhiên và trong veo như thế.
Gợi ý sách hay: Sống Thực Tế Giữa Đời Thực Dụng – Hiện thực tàn nhẫn hay bài học nỗ lực cho cuộc sống?
Lời Kết
Sẽ chẳng có nhà ga nào bán một chiếc vé cho chúng ta quay lại tuổi thơ, sẽ chẳng có cánh cửa thần kì nào giúp chúng ta du hành ngược về quá khứ. Những gì đã qua thì đã mãi trôi xa. Cảm ơn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã đưa người đọc quay lại những tháng năm quý giá tuyệt vời trong cuộc đời của mỗi con người. Sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ thực sự có sức lôi cuốn người đọc một cách kì lạ, là món quà cho những tâm hồn người lớn đang bị xáo động và cần lắm những phút yên bình nghỉ ngơi.
“Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà
Đến ga, xếp hàng mua vé
Lần đầu tiên trong nghìn năm,
Có lẽ,
Cho tôi xin một vé đi Tuổi Thơ
Vé hạng trung
Người bán vé hững hờ
Khe khẽ đáp
Hôm nay vé hết.”