Review Sách Vỡ Đê – Xã Hội Đương Thời Trong Những Phóng Sự Châm Biếm

0
2301
review-tieu-thuyet-vo-de-vu-trong-phung

Vỡ Đê của Vũ Trọng Phụng là cái tên xuất sắc trong bộ “tam kiệt tiểu thuyết”, đứng bên cạnh Số Đỏ hay Giông Tố đã làm dậy sóng xã hội đương thời. Cuốn sách tiếp theo này của ông đã bao quát tình hình xã hội xưa bằng cách đặc tả suy nghĩ và diễn biến cuộc đời của những cá nhân đơn lẻ. Mỗi nhân vật là một mảnh ghép trong bức tranh châm biếm xã hội mục ruỗng, đang trên đà tha hóa, xuống cấp cả về đạo đức lẫn cấu trúc chính trị.

Tác giả Vũ Trọng Phụng trong tiểu thuyết Vỡ Đê

Vỡ Đê là tiểu thuyết của – Vũ Trọng Phụng, nhà văn vô cùng quen thuộc với mọi độc giả tại Việt Nam. Ông đi vào sách vở với những đoạn trích ngắn làm nên tên tuổi như Giông Tố hay Hạnh phúc của một tang gia. 

Tuy qua đời ở tuổi còn khá trẻ, Vũ Trọng Phụng đã để lại cho đời kho tàng sáng tác đồ sộ, với nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói và bút ký có giá trị. 

Tác giả của Vỡ Đê được người đọc kính trọng gọi bằng cái tên “ông vua phóng sự đất Bắc” bởi cái tài dùng ngòi bút tố cáo xã hội. Những truyện ngắn của ông là tiếng chửi mỉa mai và châm biếm cực kỳ sâu cay với những thối nát trong xã hội đương thời.

review-tieu-thuyet-vo-de-vu-trong-phung
Review sách Vỡ Đê – Vũ Trọng Phụng


Sách hay nên đọc: Review sách: Sống Mòn – những kiếp người quẩn quanh trong xã hội tù túng

Công ty phát hành Trí Việt
Ngày xuất bản 2019-01-01 00:00:00
Kích thước 13 x 20,6 cm
Loại bìa Bìa mềm
Số trang 292

Nội dung tiểu thuyết Vỡ Đê

Trong cuốn tiểu thuyết của mình, thông qua câu chuyện người dân đi hộ đê, Vũ Trọng Phụng đã phản ánh những vấn đề thời sự mang tính xã hội, vạch trần bộ mặt của bọn thống trị thực dân nửa phong kiến, lũ mặt người dạ quỷ đã đẩy nhân dân vào cảnh lầm than.

Nhân vật chính trong truyện là cậu giáo Phú. Cậu vào đời với những niềm lạc quan hy vọng rằng tươi lai sẽ tươi sáng hơn nhờ mặt trận Bình Dân. Suy nghĩ của cậu dần thay đổi sau những lần đi hộ đê, bị bắt bớ vì xúi giục người dân bất tuân thương lệnh. Sau khi bị tra tấn dã man, Phú được Kim Dung – con gái quan huyện thả ra. Cuối cùng, cậu trở về cuộc sống quẩn quanh, sống bất lực ngày qua ngày mà chẳng giải quyết được việc gì.

Giá trị hiện thực trong tiểu thuyết Vỡ Đê

Có thể nói, trong những tiểu thuyết châm biếm của Vũ Trọng Phụng, cuốn Vỡ Đê có khả năng bao quát hiện thực rộng rãi nhất. 

Câu chuyện trong sách đã đi sâu vào ngóc ngách tâm trí của tất cả các tầng lớp xã hội, từ quan huyện cho tới nông dân, từ nhà báo chính trị phạm cho tới những chiến sĩ Cộng sản. 

Chính sự đối lập trong cuộc sống và suy nghĩ của những con người này đã cho thấy những rối ren trong đời sống đương thời. Trong khi phu phen đắp đê, làng quê lụt lội, nông dân biểu tình ở tỉnh lỵ thì thầu khoán móc ngoặc với quan để kiếm chác, giới thượng lưu vẫn vui chơi ở chợ phiên hay tham gia khiêu vũ ở Hà Nội. Người này lại vui chơi trên mồ hôi xương máu của hàng vạn người khác. Cùng lúc đó, tại những nhà tù nơi Côn Đảo xa xôi, phong trào chính trị sục sôi rực lửa.

review-tieu-thuyet-vo-de-vu-trong-phung-2
Review sách Vỡ Đê – Vũ Trọng Phụng

Sách hay nên đọc: Review sách: Giông Tố – thảm kịch về sự bất tín của con người

“Trên đê, người ta chạy đi, rồi lại chạy lại. Sự tấp nập giả dối lại ồn ào, hỗn loạn và nghiêm trọng hơn cả cái áy náy về phận sự. Thỉnh thoảng, chỗ này, chỗ kia, một tiếng mắng chửi, một câu văng tục, một tiếng đét của cái roi mây, những tiếng rên rỉ, hoặc kêu khóc, hoặc lầu nhầu…

Trong những việc công cộng như thế, người ta lại thấy cái tinh thần giai cấp hiện ra đến nỗi ngang tai chướng mắt, vì một bọn người vô tích sự, nhờ tài sản hoặc chức vụ, đã tưởng là mình có quyền, cái quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, là hành hạ một bọn người khác đông đúc hơn, tuy có ngu dốt hơn nhưng mà vất vả hơn, hữu ích hơn.  

Đã mấy hôm nay, hàng trăm phu phen đã làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, dưới những sự tàn nhẫn như thế. Đêm đến, họ túm tụm nhau dưới mấy dãy lều cọc tre mái lá, hở đằng trước, hở đằng sau, hở hai bên. Cái nhọc, cái rét, những cơn gió phũ phàng, những hạt mưa lạnh toát, đã làm xong cái gì mà công việc đào đất, khiêng đất, những câu mắng chửi, những cái thượng cẳng tay hạ cẳng chân, v.v… hãy còn bỏ dở. Đó là cảnh địa ngục giữa cõi trần.

Không một ai lại đủ tư cách mua cơm nắm muối vừng của một mụ béo có khuyên vàng nặng trĩu ngồi bán ở cái lều cạnh điếm ở trên đê, một mụ đầu cơ lợi dụng, bóp cổ dân nghèo, không rõ người nhà ông thầu khoán, hay ông cán lục lộ, hay chân tay thân thuộc của ông quan.”

Nếu như trong những tiểu thuyết trước, Vũ Trọng Phụng đi sâu vào miêu tả những biến chất của con người ở góc độ cá nhân thì ở tiểu thuyết Vỡ Đê này, ông đã dùng ngòi bút của mình để nói về những vấn đề chính trị mang tính phổ quát. Ngòi bút tố cáo cũng chính là tiếng thét đấu tranh. Ông tranh đấu để tiêu diệt những gông cùm tư tưởng trong xã hội, ông vạch trần nạn đàn áp, nạn tham nhũng, nạn điếm bút và vô số những con sâu mọt trong xã hội ung nhọt bấy giờ.

Phong cách xây dựng nhân vật trong Vỡ Đê

Đứng trước những rối ren về chính trị và xã hội, mỗi con người trong Vỡ Đê lại có diễn biến tâm lý khác nhau.

Phú thì là điển hình của một tri thức trẻ khi xã hội đi vào tha hóa. Ban đầu, chàng hy vọng về sự thay đổi của chính phủ khi được mớm những thông tin về tự do bịp bợm. Sau đó, hy vọng của chàng lung lay thế rồi tắt hẳn. Chàng ức chế vì ách thống trị lộng quyền, ức chế cả những người dân chỉ biết có cam chịu. Chàng cũng hành động, nhưng khi bị các thế lực đàn áp quyết liệt, Phú đã dừng lại, trăn trở rồi sống kiếp bất lực.

review-tieu-thuyet-vo-de-vu-trong-phung-3
Review sách Vỡ Đê – Vũ Trọng Phụng

Kim Dung thì ham mê phù du vật chất, quen sống hưởng thụ. Tuy có cái tâm lương thiện nhưng Dung vẫn chỉ sống như vậy mà thôi.

Quang – một anh hùng cam chịu, dẫu biết xã hội này cần nhiều tranh đấu nhưng vẫn không chịu động thủ vì còn vợ con, anh cho rằng cách mạng là quá nguy hiểm.

Lời kết

Vỡ Đê của Vũ Trọng Phụng là tiểu thuyết đáng đọc bất kể chúng ta đang sống trong một xã hội như thế nào. Đọc sách để thấy cái tài của người cầm bút, để hiểu thêm về xã hội cũ, để thấm thía những đớn đau của người nông dân Việt Nam dưới ách một cổ hai tròng. 

Sách hay nên đọc: Review sách: Nỗi Buồn Chiến Tranh – khi tuổi trẻ bị chiến tranh đánh cắp

Cảm Nhận Của Độc Giả

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây