Review Sách Những Ngày Thơ Ấu – Cuốn Hồi Ký Nhuốm Màu Buồn Của Tuổi Thơ Nguyên Hồng

0
2657
review-sach-nhung-ngay-tho-au-2

Nghe cái tên Những Ngày Thơ Ấu, chúng ta sẽ dễ hình dung về một tiểu thuyết kể lại những tháng ngày vô lo, vui vẻ của những đứa trẻ. Nhưng không, Những Ngày Thơ Ấu của Nguyên Hồng lại là cuốn hồi ký đẫm nước mắt của một cậu bé sớm phải xa mẹ và sống trong sự cay nghiệt với chính những người ruột thịt của mình.

Tác giả Nguyên Hồng với tiểu thuyết Những Ngày Thơ Ấu

Chúng ta đã biết đến cái tên Nguyên Hồng và tác phẩm Những Ngày Thơ Ấu qua đoạn trích Trong lòng mẹ của sách Ngữ văn từ những ngày cấp hai. Tác giả này sinh ra trong một gia đình Công giáo ở thành phố Nam Định. Không như những đứa trẻ khác, ông sống trong cảnh nghèo đói vì cha mất sớm, ông cùng mẹ sống lần hồi trong các xóm lao động tạm bợ tại Hải Phòng. 

Tuổi thơ cơ cực chính là chất liệu vô giá, làm nên những tác phẩm chân thực và gây xúc động mạnh của Nguyên Hồng sau này. Những Ngày Thơ Ấu chính là một trong số đó.

Bà Nhã Nam, con gái nhà văn Nguyên Hồng từng kể lại: “Tính cách bố tôi cũng vậy. Ông thương người nghèo khó, bản thân ông sống không bao giờ đố kị, ghen ghét ai. Ngày trước, ở xóm tôi có người phụ nữ khoảng 80 tuổi không chồng con, không đi lại được, sống rất nghèo khổ.

review-sach-nhung-ngay-tho-au
Review sách Những Ngày Thơ Ấu – Nguyên Hồng

Sách hay nên đọc: Review sách: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – một lần tìm về bầu trời tuổi thơ êm đềm, tĩnh lặng

Công ty phát hành Nhà sách Minh Thắng
Ngày xuất bản 2019-02-02 00:00:00
Kích thước 14,5 x 20,5 cm
Loại bìa Bìa mềm

Cứ đến bữa ăn, bố tôi xới bát cơm, lấy ít thức ăn rồi bảo chúng tôi mang sang cho bà. Ông đi công tác về có quà, cũng bảo các con đưa sang biếu người ta miếng bánh. Lúc cuối đời, không còn tỉnh táo, bà ấy vẫn gọi tên bố tôi”.

Văn ông thường viết về những người ở đáy cùng xã hội, ông thương những người nghèo khổ và có hoàn cảnh éo le.

Tóm tắt tác phẩm Những Ngày Thơ Ấu

Cuốn hồi ký Những Ngày Thơ Ấu không phải câu chuyện về tuổi thơ êm đềm mà là những tháng ngày đắng cay và cơ cực, khi đứa bé ngây thơ phải sống trong sự ghẻ lạnh của chính những người máu mủ ruột già.

Cậu bé Hồng là kết quả của một cuộc hôn nhân “bài tính”, cha mẹ cậu lấy nhau do sắp đặt mà không hề có tình yêu. Kết hôn rồi, họ sinh ra đứa con cũng vì mục đích nối dõi tông đường chứ không phải trái ngọt của một cuộc hôn nhân hạnh phúc. 

Sống tù túng trong cuộc sống chật hẹp, bố hồng đâm nghiện rượu, nghiện thuốc, ông “bán linh hồn cho nàng tiên nâu” với cuộc đời bế tắc sống không bằng chết. Dù không có tình yêu với chồng nhưng mẹ Hồng vẫn ứa nước mắt mỗi khi thấy bố cậu “ôm ngực ho và rũ rượi nhổ”.

Sau khi chồng mất, mẹ Hồng phải bỏ vào Thanh Hóa đi tha hương cầu thực, bà có thai với người đàn ông khác rồi bị họ hàng gán cho cái tội chưa đoạn tang chồng đã chửa đẻ với người khác.

Lớn lên trong gia đình thiếu tình yêu thương, Hồng xuất phát là một cậu bé thông minh, lanh lợi, có tâm hồn nhạy cảm và trong sáng nay đang bị cuộc đời vùi dập tơi bời. Không có mẹ, lại sống cùng người cô cay nghiệt, độc mồm, Hồng tự rèn luyện mình thành một chuyên gia đánh đáo ăn tiền. Người ta ném vào tuổi thơ của Hồng muôn vàn những lời cay đắng. “Hồng ơi, bố mày chết đi, nhưng còn mẹ mày nó dạy mày. Cầm bằng mẹ mày đánh đĩ hay theo giai bỏ mày lêu lổng thì đã có chúng tao!”

Truyện kết thúc với những bất công Hồng chịu đựng ngay tại trường học. Ông thầy giáo vốn mang thái độ khinh miệt đứa trẻ đầu đường xó chợ đã thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với chính đứa học trò của mình. Ông bắt cậu quỳ góc lớp hết ngày này qua ngày khác. Kết truyện còn dở dang khi Hồng đứng dậy, mê man chạy biến ra đường.

review-sach-nhung-ngay-tho-au-2
Review sách Những Ngày Thơ Ấu – Nguyên Hồng

Những nét đặc sắc trong tập Những Ngày Thơ Ấu

Cốt truyện thực tế

 Vì là hồi ký nên Những Ngày Thơ Ấu có cốt truyện chân thực đến mức xót xa. Văn của Nguyên Hồng vốn luôn chứa đựng những tình cảm trìu mến và thương xót trong cách kể chuyện về cảnh đời, lại càng rõ ràng và đau đớn khi ông nói về cuộc đời chính mình. 

Miêu tả chân thực

Có lẽ những hình ảnh đau xót trong Những ngày thơ ấu đã găm vào trí óc Nguyên Hồng nên ông kể lại câu chuyện nghe thật như vừa mới hôm qua. Ngòi bút của tác giả càng trở nên sắc hơn khi nhớ lại những lúc cha lên cơn nghiện thuốc, hay nỗi đau đớn của người bà khi thấy con trai mình đi vào con đường sa đọa.

Tôi chực gỡ tay thầy tôi nhưng thấy hai lòng trắng mắt của thầy tôi như sắp bật ra ngoài và những hơi thở nóng hổi ở miệng thầy tôi cố mím lại mà không được cứ hắt vào mặt tôi, tôi đành phải đứng yên. Thầy tôi lần ra sau lưng tôi rồi thọc vào trong túi quần để tìm cọc tiền giấu đi.

Không còn một chút tình trong lòng tôi lúc bấy giờ.

Thầy tôi lại lần ra đằng trước, mặt tôi càng tím lại, cổ họng càng nghẹn ứ… Rồi tôi bật thét lên một tiếng khi bàn tay thầy tôi vừa chạm vào mẩu dây buộc cọc tiền bỏ lòng thòng trong quần. Phựt… mẩu dây bị giựt đứt. Một cảm giác thắt ruột tôi lại. Tôi nghiến răng nắm chặt lấy cạp quần và cọc tiền, giậm thình thịch xuống nền nhà.

Đong đầy cảm xúc

Xuyên suốt câu chuyện, người đọc luôn cảm nhận được tình yêu thương, niềm kính trọng vô bờ bến mà cậu bé Hồng gửi tới người mẹ bất hạnh của mình. Dẫu người cô hay bà nội có dội lên đầu cậu những lời cay nghiệt và độc ác về mẹ, Hồng vẫn luôn nghĩ về mẹ với một thứ tình cảm thiêng liêng và lòng tôn trọng của một đứa con hiếu nghĩa.

Một hôm, cô tôi gọi tôi đến bên, cười hỏi:

– Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mợ mày không?

Tưởng đến vẻ mặt rầu rầu và sự hiền từ của mẹ tôi, và nghĩ đến cảnh thiếu thốn một tình thương yêu ấp ủ từng phen làm rớt nước mắt, tôi toan trả lời có. Nhưng, nhận ra những ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của cô tôi kia, tôi cúi đầu không đáp.

Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực. Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến… Mặc dầu non một năm ròng mẹ tôi không gửi cho tôi lấy một lá thư, nhắn người thăm tôi lấy một lời và gửi cho tôi lấy một đồng quà.

Thông điệp từ truyện Những Ngày Thơ Ấu

Đọc tiểu thuyết Những Ngày Thơ Ấu, ta mới thấm hết được giá trị đủ đầy của một gia đình hạnh phúc. 

Khi những đứa trẻ khác được sung sướng, vòi vĩnh bố mẹ đủ đường thì tất cả những gì Hồng mong đợi chỉ là “Giá ai cho tôi một xu nhỉ? Chỉ một xu thôi! Để tôi mua xôi hay bánh khúc. Vừa đi vừa cắn, ngon xiết bao! Không! Không ai cho tôi cả, vì người ta có phải mẹ tôi đâu!”

review-sach-nhung-ngay-tho-au-3
Review sách Những Ngày Thơ Ấu – Nguyên Hồng

Không nhận được tình yêu thương và sự giáo dục đầy đủ từ cha mẹ, Hồng tuy sớm tự lập nhưng lại sa vào con đường bất chính và giao du với những thành phần bất hảo trong xã hội. Có ai đảm bảo, cậu bé Hồng thông minh với tâm hồn trong sáng từ thuở bé có thể đứng vững trước sóng gió cuộc đời mà không bị ngang trái xã hội vẩy vào tâm hồn những đường vẩn đục?

Lời kết

Tiểu thuyết Những Ngày Thơ Ấu của Nguyên Hồng đã lấy đi nước mắt của biết bao thế hệ độc giả. Hãy đọc cuốn sách này để thấu cảm nỗi đau với tuổi thơ bất hạnh của nhà văn và thêm trân trọng hạnh phúc gia đình mà chúng ta ngày ngày sở hữu.

Sách hay nên đọc: Review sách: Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn – Tuổi thơ của bạn có mang những tổn thương?

Cảm Nhận Của Độc Giả

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây