Tuổi trẻ chỉ sống một lần, nếu bạn đang trong độ tuổi đôi mươi, hãy đọc cuốn sách Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” để biết mình đang thực sự ở đâu trong hành trình sống của bản thân. Không cần biết bạn xuất thân từ hoàn cảnh gia đình như thế nào, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn cuộc sống của mình. Hãy cùng Revisach chiêm nghiệm và sống thật với từng cảm xúc để thấy được những giá trị sống đích thực của tuổi trẻ qua cuốn sách “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” của nhà văn Đinh Hằng
Giới thiệu về cuốn sách “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ”
“Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” nói về hành trình trên nước Mỹ của nhà văn trẻ Đinh Hằng khi cô trong hoàn cảnh gặp những vấn đề và tình cảm. Và hành trình này đã được cô lưu lại, kể lại bằng chất văn đầy men say của mình. Một cuốn du ký nhưng lại tự truyện và câu chuyện của tác giả ở nước Mỹ xa xôi. Hành trình trải dài trên 20 bang, kéo dài suốt sáu tháng liên tiếp.
Chuyến đi của Đinh Hằng, rốt cuộc, là một cuộc hành trình đi tìm lại và nhìn nhận lại giá trị của bản thân mình, của sự sống. Nước Mỹ, với tất cả những vẻ đẹp cùng sự đa dạng và phức tạp của nó, ở đây đóng vai trò như một chốn “luyện ngục” để cô vượt qua chính mình và trở nên một người khác. Một cuộc đi lớn chỉ dành cho những người thực sự muốn lớn hơn bản thân mình ngày hôm qua.
Cách Đinh Hằng đi và hòa mình vào văn hóa Mỹ là cái nhìn của một người lữ hành đã dày dạn kinh nghiệm, nhìn một xứ sở mới, những con người mới với cái nhìn bình đẳng, điềm nhiên và không định kiến. Đinh Hằng xem nước Mỹ và người Mỹ với tâm thế tôn trọng và bình đẳng, như một kẻ biết người rất giỏi nhưng cũng hiểu rõ những giá trị của bản thân.
Cũng chính vì vậy mà nước Mỹ và người Mỹ hiện ra trong sách rất thực và rất đời, không tô hồng, không phóng đại. Một nước Mỹ không chỉ với các tòa nhà chọc trời, với sự phát triển vượt bậc và các công nghệ hiện đại. Mà là một nước Mỹ chân thực và trần trụi với những vấn đề của nó, nền văn hóa Mỹ, cách sống của người Mỹ, quan niệm của họ về bản thân, về tình yêu, và kể cả những vấn đề khá nhạy cảm với người Việt như tình một đêm, đồng tính, cỏ và ma túy…
“Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” không đơn thuần là một cuốn sách du ký. Bởi trên hành trình đơn độc xuyên qua nước Mỹ, những xung đột tâm lý của cô gái bị bỏ lại trước ngưỡng cửa hôn nhân cũng hiện lên sâu sắc. Đó là câu chuyện của sự đan xen mãnh liệt những cô đơn, đau đớn, niềm tin, khát vọng, đam mê, tuổi trẻ. Cô gái nhân vật chính dám nghỉ việc, trả nhà, bay nửa vòng Trái Đất và quăng mình vào một hành trình không đích đến để đối mặt với người mình đã từng yêu một lần nữa. Hành trình địa lý cũng chính là hành trình tâm lý ấy đánh thức trong mỗi người trẻ tuổi bản năng yêu, đi và sống hết mình.
Những trích dẫn đầy trải nghiệm trên hành trình dài trong “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ”
- Tôi thả cái ba lô nặng trịch xuống nền ga tàu điện ngầm Price Geoge’s Plaza lúc trời không còn vệt sáng. Ba tiếng lòng vòng từ sân bay Washington Dulles (Washington D.C) về đến Hyattsville (bang Maryland) đã vắt kiệt sức tôi sau chuyến bay dài hai sáu tiếng từ bên kia trái đất. Tôi bất giác nhận ra bên cạnh là hai thanh niên da màu đang gườm gườm nhìn mình, cơ hồ sẽ giựt lấy cái ba lô bất cứ lúc nào. Cảnh sát lúc này đã ở quá xa. Phố vắng tanh. Xa xa có tiếng vài đứa trẻ đang vừa đi vừa trượt ván. Tôi ngước nhìn lên trời, tự hỏi mình đang làm cái quái gì ở đây?
- “Mẹ thì vẫn bảo, nếu có đứa con gái chỉ ngồi im để nhận những đòn đau của số phận mà không chống chọi tới cùng, thì đó không phải con gái bà. Trong những ngày tháng này, tôi vẫn thường đặt tay lên ngực mình để ngăn một vài cơn đau đớn đến bất chợt vì nhớ đến lời mẹ luôn nói: “Ngẩng cao đầu mà sống con ạ”
- “Tôi có thể ngủ trên giường, trên ghế xô pha, trên nệm, trên thảm hay trên bất cứ chỗ trống nào còn lại trong nhà bạn. Vì tôi trông đợi được gặp và làm bạn với người thú vị, hơn là tìm kiếm một chỗ ở miễn phí
- Thời gian là thứ tôi tiếc rẻ nhiều nhất. Song những thứ đã ra đi cùng thời gian còn đáng để tiếc rẻ hơn. Tuổi trẻ và những ngày tháng đẹp đẽ nhất của tôi đã ra đi cùng một tình yêu có đoạn kết rất tệ.
- Kỷ niệm như những cuốn phim quay chậm hiện lên trong tâm trí. Tôi đã ước ao trái tim mình không còn đập loạn nhịp nữa, chân tay mình không còn bủn rủn nữa, lòng mình sẽ không dậy sóng nữa khi gặp lại anh. Nhưng tất cả đã sụp đổ khi anh bên tôi. Khi đó, tôi biết mình vẫn còn yêu anh quá nhiều. […] Khi yêu một ai đó đủ lâu và đủ sâu, những sợi dây liên kết cứ siết chặt lấy hai người theo năm tháng. Việc phải đang tâm cắt đứt những mối liên kết vô hình ấy, với tôi, cũng đau đớn như mất đi một phần cơ thể mình.
- Hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích, mà chính trên từng chặng đường đi. Thể hiện rõ nhất là trên những chuyến roadtrip đường dài. Có đi mãi trên những con đường chẳng biết đâu là đoạn cuối, bên kia cửa kính xe là dải trời mênh mông cao vợi, bên cạnh là những cánh đồng bát ngát kéo dài mãi tận chân trời, người ta mới thấy ngay cả tiếng gió lùa qua cánh cửa cũng “tự do” như chính kẻ đang rong ruổi trên những con đường.
- Cuộc sống du lịch bụi là một cuộc sống khác. Ở đó không có áp lực của một ngày làm việc tám tiếng, nhưng bạn sẽ phải vội vã để không trễ một chuyến bay hay một chuyến xe buýt đường dài. Điều ấy xảy ra gần như mỗi ngày và bạn luôn phải trong trạng thái di chuyển liên tục
- Đó không phải là một cuộc sống “sướng”, mà là một cuộc sống “khác”. Tôi tin rằng cuộc sống nào cũng có nỗi vui buồn của riêng nó, quan trọng là bạn sống thế nào và thỏa mãn đến đâu với cuộc sống của mình thôi.
Đọc thêm: Trích dẫn sách “Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ” – Thanh xuân xin đừng nghĩ đến hai chữ “ổn định”
Lời kết
“Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” là hành trình của tác giả trên khắp nước Mỹ với nhiều địa danh. Qua mỗi nơi đều có những câu chuyện, những người bạn, hơn hết là những cảm xúc của tác giả. “Và tôi yêu cách mình đã chọn làm mọi thứ trong đời theo trái tim mình. Dù trái tim tôi thì thường ngu ngốc và yếu đuối hơn lý trí nhiều. Tôi không thể vứt bỏ tâm hồn để sống thật bình lặng và hạnh phúc như những con người trong “tận cùng thế giới” của Haruki Murakami. Tôi chấp nhận tổn thương để biết yêu mình hơn, chấp nhận từ bỏ để biết cách tiến về phía trước, và chấp nhận rằng mình cô đơn để biết giá trị của những hạnh phúc tôi sẽ có sau này. Nên tôi yêu những gì mình đã, đang và sẽ làm, yêu cuộc sống của mình, và yêu chính bản thân mình nữa. Và tôi yêu cả tuổi trẻ này quá đỗi.”
Review Sách Đời Thay Đổi Khi Ta Thay Đổi – Sống cho hiện tại và nghĩ về tương lai | Revisach