Top 5 Cuốn Sách “Nhìn Lại Mình” Trong Mùa Dịch
Rất nhiều người trong số chúng ta đang phải trải qua những điều tiêu cực trong khoảng thời gian cách ly giữa mùa dịch. Nhưng ở một mặt tích cực hơn, chúng ta có thể tận dụng sự giãn cách để sống chậm lại, tạo một khoảng lặng để đọc sách và qua đó, nhìn lại mình để đúc kết những điều có ý nghĩa hoặc thấu hiểu bản thân hơn. Còn với những ai đang cảm thấy tuyệt vọng và mất mát, mong rằng trong list sách Top 5 Cuốn Sách “Nhìn Lại Mình” Trong Mùa Dịch dưới đây bạn cũng tìm được một tiếng nói cổ vũ tinh thần và mang lại sự lạc quan, vui vẻ.
Mục Lục
Bước Chậm Lại Giữa Thế Gian Vội Vã – Hae Min
Bước chậm lại giữa thế gian vội vã là một cuốn sách của Đại Đức Hae Min, được xuất bản vào năm 2012 khi thầy đang đảm nhiệm vai trò giảng viên tôn giáo tại Đại học Hampshire, Massachusets. Trong 8 năm sau khi ra mắt, cuốn sách liên tục đứng đầu trong danh sách bán chạy tại Hàn Quốc.
Cuốn sách chia sẻ cùng nỗi cô đơn và sự lạc lõng của những người trẻ tuổi hay chênh vênh. Có thể là khoảnh khắc bạn thấy bị bỏ lại phía sau khi tất cả mọi người đều thăng tiến trên con đường sự nghiệp. Hoặc cho dù bạn đã rất nỗ lực để bắt kịp với công việc nhưng nhận lại chỉ là sự thất bại. Vậy thì có lẽ bạn cần “bước chậm lại”, nghỉ ngơi và nghiền ngẫm những trang sách này. Biết đâu vấn đề lại sáng tỏ theo cách chúng ta chưa từng nhận ra? “Nhìn Lại Mình”
Trưởng Thành Sau Ngàn Lần Tranh Đấu – Rando Kim
Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu cũng là một đầu sách đến từ Hàn Quốc, của tác giả Rando Kim. Song, là một cuốn sách mà khi bạn đã đấu tranh để vươn lên, rồi lại hoang mang tự hỏi nỗi vất vả này là gì, thì hãy tìm đến cuốn sách này để củng cố niềm tin của mình.
Cuốn sách mở đầu bằng những lời tự sự, “tôi không muốn đơn phương lên lớp về những bí quyết trưởng thành” và “Đọc chỉ giúp bạn rút ra kết luận mà thôi, nhưng một khi nói ra, bạn sẽ tìm cách chữa trị cho chính mình”. Để không là một cuốn sách giáo điều, hơn cả là đóng vai một người bạn âm thầm cổ vũ bạn tin vào chính mình và con đường mà mình lựa chọn. Vậy nên nếu chọn đọc nó, đừng quên chuẩn bị một cuốn nhật kí, hay thậm chí ghi chú trực tiếp trên sách hoặc trên máy tính bảng nếu bạn đọc bằng ebook, để lưu lại những gì mình muốn bộc lộ.
(Nguồn: Pexel)
Bí Mật Của Nước – Masura Emoto
Masura Emoto từng là giảng viên đại học, doanh nhân, nhiếp ảnh gia, và khi ông khởi sự viết cuốn sách chiêm nghiệm này vào năm 1999 trong hành trình chụp những bức ảnh của tinh thể nước. Bí mật của nước ra đời không mang một sứ mệnh đưa ra một kiến giải khoa học nào. Thay vào đó là một liên tưởng thú vị từ loại hợp chất độc đáo nhất hành tinh để soi chiếu lại chính mình.
Vai trò của nước trên Trái Đất cần thiết bao nhiêu cũng như vai trò của mỗi người trong cuộc sống quan trọng bấy nhiêu. Những tinh thể nước thay đổi cấu trúc liên kết ở các tần số khác nhau cũng như mối tương quan giữa cảm xúc của chúng ta trong các điều kiện khác nhau. Tác giả cũng đề cao giá trị của những lời cầu nguyện và ý chí hướng đến những điều tươi sáng, để từ đó chúng ta tạo tần số rung động mạnh mẽ nuôi dưỡng cái đẹp.
Nếu Tôi Biết Được Khi Còn 20 – Tina Seelig
Nếu bạn đang ở độ tuổi đôi mươi, đây rõ ràng một đầu sách dành cho bạn. Nhưng nếu đã “quá lứa lỡ thì”, thì đây sẽ là những đúc kết vô cùng thấm thía. Bởi theo như lời chia sẻ của tác giả Tina Seelig, bà viết cuốn sách này để nói với tuổi hai mươi của mình về những bài học đắt giá cho con đường phát triển bền vững về sau.
Trong 10 chương sách, tác giả kể những câu chuyện “người thật việc thật” trong suốt những năm đi học, đi làm và trở thành giảng viên tại Đại học Stanford. Có lúc là bài học thực tế “rút ví của bạn ra” để mua lấy những cơ hội thay vì trông chờ nó đến một cách may mắn. Hoặc những điều lạc quan như “rạp xiếc đảo lộn” khích lệ bạn đương đầu với khó khăn dù là lớn hay bé để tạo dựng thành tựu của riêng mình.
(Nguồn: Pexel)
Cội Nguồn Cảm Hứng – Nguyễn Trần Bạt
Tác giả Nguyễn Trần Bạt là một trong những nhà phê bình, nhà đầu tư, luật sư sắc sảo trong số các tác giả Việt Nam từng viết về chủ đề khai phóng tiềm năng sáng tạo. Vốn sống của ông đến từ nhiều năm nghiên cứu khoa học và từ thực tế bôn ba trên thương trường. Do đó, Cội nguồn cảm hứng có thể sẽ không phải là cuốn sách dễ đọc với những ai đang tìm kiếm sự thỏa mãn về cảm xúc, mà là một hành trình đi tìm tri thức và khai mở trí tuệ.
Cội nguồn cảm hứng có cấu trúc như một cuốn tiểu luận bàn về tự do – hạnh phúc, không gian và giá trị tinh thần của tự do và hạnh phúc. Đi từ những khái niệm như “Tự do là gì”, “Những cảm giác của tự do” cho đến hành trình đi tìm tự do và hạnh phúc. Tuy nhiên, không xây nên những rào chắn bằng định nghĩa, tác giả lấy cái thực tế để minh họa giúp bạn hiểu rõ đâu là giới hạn của mình và cách để vùng lên khỏi nó. Để rồi sau đó, độc giả có cái nhìn thông suốt hơn về những giá trị mình đang theo đuổi.
Lời kết
Sách luôn luôn đem lại những giá trị tinh thần lớn lao và ý nghĩa. Không chỉ bởi những mang lại kiến thức, nó còn cộng hưởng với hiểu biết và trải nghiệm của chúng ta, vậy nên đọc thật nhiều cũng đừng quên nghiền ngẫm để đúc rút ra những giá trị của riêng mình bạn nhé.