Review Sách Thuật Tư Tưởng – Xây Dựng Bộ Óc Tư Duy Theo Tinh Thần Khoa Học

0
2285
review-cuon-thuat-tu-tuong-revisach.com
Cuốn sách Thuật tư tưởng

“Thuật tư tưởng” là một tác phẩm khai sáng thêm những góc nhìn mới trong từng khía cạnh đời sống. Xã hội nhiều tầng lớp, là một cộng đồng với tư duy riêng mang nét đặc sắc riêng của từng người, vì thế, điều cần kíp là luôn để bản thân có một phán đoán chính xác và logic, không hùa theo số đông một cách mù quáng, cũng không bênh vực thiểu số một cách chủ quan. Cuốn sách sẽ mang đến cho bạn một thế giới mới về những lập luận mà trước đây bạn từng cảm thấy khô khan và khó giải đáp.

Tác giả cuốn sách “Thuật tư tưởng”

tac-gia-thu-giang-nguyen-duy-can
Tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần – Thuật tư tưởng

“Thuật tư tưởng” được viết bởi tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần, một trong những học giả nổi tiếng nhất Việt Nam những năm 50-60 của thế kỷ XX. Cụ tên là Nguyễn Duy Cần, bút hiệu là Thu Giang. Nguyễn Duy Cần sinh năm 1907 tại Mỹ Tho, Tiền Giang, mất năm 1998 tại Bình Thạnh. Cả cuộc đời cụ là những cống hiến lớn lao cho nền văn học nước nhà, những tác phẩm của cụ đều là những tác phẩm đem lại nhiều bài học cho độc giả, vẫn giữ nguyên giá trị cùng với thời gian.

Nguyễn Duy Cần đã viết rất nhiều cuốn sách thuộc thể loại học làm người, nghệ thuật sống, chuyên khảo, và Dịch Đạo, cụ cũng tham gia vào việc giảng dạy và có nhiều kiến thức sâu rộng về y học phương Đông cùng với thuật châm cứu, nhưng đáng tiếc cụ không để lại tác phẩm nào về y học. “Thuật tư tưởng” là một trong những tác phẩm điển hình của Nguyễn Duy Cần.

Tác phẩm “Thuật tư tưởng” 

review-cuon-sach-thuat-tu-tuong-revisach.com
Thuật tư tưởng

Nằm trong bộ ba cuốn sách về rèn luyện phương pháp tự học bao gồm Tôi tự học, Óc sáng suốt và Thuật Tư Tưởng, cuốn sách được viết vào tháng 8 năm 1940, rất lâu trước đây. Cũng vì lý do đó mà trong cuốn sách có nhiều ngôn từ đã xưa cũ, đôi lúc khiến cho độc giả cảm thấy khó hiểu, nhưng nếu đọc chậm và tìm hiểu từng lời mà cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần truyền tải, bạn sẽ thấy được những điều thú vị và những ngôn từ sâu sắc trong từng trang viết của cụ.

“Thuật tư tưởng” gói gọn những khái niệm về tư tưởng, tư duy cũng như chỉ dẫn những phương pháp giúp người đọc học cách tư duy sử dụng các lập luận chính xác và hợp lý, từ đó nhìn nhận cuộc sống và đưa ra quyết định một cách đúng đắn và sáng suốt.

Thông tin cơ bản về cuốn sách Thuật tư tưởng

Công ty phát hành NXB Trẻ
Ngày xuất bản 03-2021
Kích thước 13 x 19 cm
Loại bìa Bìa mềm
Số trang 308

Các chương trong cuốn sách “Thuật tư tưởng” 

Phần thứ nhất

Chương thứ nhất: Tư tưởng là gì?

Chương thứ hai: Lý luận là gì?

Chương thứ ba: Sai lầm vì lý luận

Chương thứ tư: Chủ quan và khách quan

Chương thứ năm: Tín ngưỡng và tri thức

Chương thứ sáu: Lý luận của tình cảm và thị dục

Phần thứ hai

Chương thứ nhất: Thuật tư tưởng

Chương thứ hai: Vì đâu mà sai lầm

Chương thứ ba: Thuật phê bình

Chương thứ tư: Luận lý và sự đời

Chương thứ năm: Giúp tư tưởng

Nội dung nổi bật trong cuốn sách “Thuật tư tưởng” 

Trong tác phẩm “Thuật tư tưởng”, văn phong của cuốn sách đưa người đọc có cảm giác thiên về triết học, khó hiểu nhưng càng về sau, khi bạn đã hiểu hết những khái niệm từ đầu cuốn sách đề cập, bạn sẽ thấy văn phong trở nên mạch lạc về dễ hiểu hơn, đem những phân tích tâm lý và có tính khoa học ứng dụng vào thực tế.

review-cuon-thuat-tu-tuong-revisach.com
Cuốn sách Thuật tư tưởng

Từ đầu tác phẩm, cụ Nguyễn Duy Cần tập trung giải thích ý nghĩa về tư tưởng và cách thức lập luận của mỗi cá nhân trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời cũng chỉ ra những lỗi sai thường gặp trong khi lập luận và nguyên nhân bắt nguồn của chúng.

“Kẻ thiếu óc phê bình, thiếu học thức, là kẻ không đủ sức phân biệt được cách dùng những tiếng nói trên đây. Điều mình tưởng là biết chưa phải là điều mình biết, mà điều mình tin chưa ắt là điều mình biết. Biết đâu mình tin là vì nó thuận với lòng ao ước hay thị dục của mình, hoặc vì mình bị ảnh hưởng gia đình, xã hội chứ không phải vì đã dò xét rõ ràng rồi mà tin, tin như nhà khoa học” 

Từ 3 phương pháp lập luận phân tích, loại suy và qui nạp, “Thuật tư tưởng” phân tích rõ ràng những sai lầm của từng phương pháp để người đọc đối chiếu, tránh những phán đoán vô tâm và cẩu thả.

“Thuật tư tưởng” cũng đi sâu vào phân tích sự khác biệt giữa hiểu biết và tin tưởng, những yếu tố tạo ra tôn giáo và tín ngưỡng và khuyên ta nên biết phân biệt rạch ròi giữa trí thức và tín ngưỡng, luận theo lý trí để trở nên chững chạc trưởng thành và đưa ra những phán đoán sáng suốt hơn là thỏa mãn dục vọng số đông bằng những tư duy thiên về tình cảm.

Sau cùng, muốn đưa ra những suy nghĩ một cách đúng đắn, việc quan trọng là tách mình ra khỏi ảnh hưởng từ số đông, lập luận theo số đông chỉ mang tính thỏa mãn khát vọng về tình cảm, nếu ta buông xuôi theo dư luận, sẽ tự động kéo vào những mâu thuẫn không hay.

Nơi ta bao giờ cái “ta tình cảm” cũng đứng trên cái “ta lý trí”. Lòng dục mà còn nhiều, thì tâm trí tối tăm, dầu cho là một nhà thông thái bậc nhất cũng không hơn gì một kẻ dốt nát” 

Trong “Thuật tư tưởng”, cụ Nguyễn Duy Cần cũng chỉ ra những sai lầm về thuật tư tưởng là do thiếu hiểu biết, thiếu phương tiện học hỏi, nhận thức sai lầm, dùng lý luận sai và mang thành kiến khi thực hành tư tưởng, bị ảnh hưởng bởi quyền thế và uy danh mà không dám phản biện, từ cách dùng sai ngôn ngữ, cách đặt vấn đề  sai lầm và tùy tiện dựa vào tính khí của cá nhân mà để tư tưởng bị lệch lạc. Rèn luyện cho mình một óc phê bình trong mọi vấn đề là phương pháp hiệu quả để tránh những sai lầm.

“Trong đời sống hằng ngày, bất kỳ là một cái tin gì mà kẻ khác đem cho ta, ta cần phải đem nó ra mà phê bình một cách gắt gao mới được, nhất là những câu chuyện thiên hạ đồn đãi, hoặc những tin tức lượm lặt của báo chí đưa đến cho ta…”. 

Để đi tới chân lý, hãy bàn cãi và hành động để thí nghiệm, ta có thể bàn cãi với chính bản thân mình hoặc với người khác để thấy rõ mọi việc của vấn đề, để nhìn ra những khuyết điểm và phương hướng. Dùng hành động để thử nghiệm những nguyên tắc, để phân biệt tính hư thực của tư tưởng.

Sau cùng, tác giả không quên đề cập đến việc đọc sách và phương pháp đọc sách trong “Thuật tư tưởng”.

“Dù là bậc thông minh đến đâu, cũng nhờ đọc sách mà kiến văn ngày một thêm rộng” 

Đọc sách chính là thuật tư tưởng để ta có thể so sánh, trao đổi ý kiến để có được chân lý, là con đường ngắn nhất để có thể học được những bài học của người trước và từ đó đào sâu hơn làm rõ hơn tư tưởng của chính mình. Bàn về phương pháp đọc sách, ngoài những điều trong cuốn sách, thiết nghĩ các bạn nên tìm hiểu về cuốn sách “Tôi tự học” của tác giả để hiểu sâu hơn về thuật đọc sách.

Đọc thêm: Review sách: Tôi tự học – Cách học xứng đáng với cái tầm của từng trang sách

Cảm nhận về cuốn sách “Thuật tư tưởng” 

Sống trong xã hội mỗi người một ý, nhưng lại hay chạy theo quan điểm của số đông, “Thuật tư tưởng” mang đến nhiều điều bổ ích để rèn luyện cho mỗi cá nhân một tư duy độc lập. Rất nhiều những trích dẫn của tác giả trong cuốn sách thể hiện chiều sâu về học thức và sự hiểu biết tường tận về văn hóa Đông – Tây, kim cổ, những trích dẫn từ Lão Tử tới Napoleon, Pascal và nhiều triết gia cùng với vốn tiếng Hán tiếng Pháp. Tất cả làm nên rét riêng trong cuốn sách của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần.

Cuốn sách sẽ khiến bạn nhận ra thế mạnh mà chỉ duy nhất loài người có được, đó là khả năng tư duy, bởi vì nếu một người không chịu tư duy hay không biết cách tư duy chẳng phải sẽ lãng phí món quà quý giá được ban tặng khi ta sinh ra hay sao?

Lời kết

“Thuật tư tưởng” thực sự là cuốn sách bổ ích cho mọi độc giả. Hy vọng rằng, bạn đọc sẽ không vì rào cản văn phong xưa cũ mà bỏ qua giá trị mà cuốn sách mang lại. Như cụ đã từng nói rằng “Đọc những sách cao hơn tầm hiểu biết của mình thì mới có được sự tiến bộ trong tri thức”. 

Trong đời sống, có được tư tưởng đúng đắn để đưa ra những phán đoán và lập luận chính xác là điều cốt yếu để xây dựng một lối sống văn minh ở bất kỳ thời đại nào, đừng sống theo tư duy của người khác và để người khác áp đặt.

Cảm nhận của độc giả

thuat-tu-tuong-review-1

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây