Review Sách Tiến Bước – Tiến Lên Phía Trước Mặc Kệ Bão Giông Chia Sẻ Từ CEO Starbucks

0
2193
review-sach-tien-buoc-onward

Nếu đã từng đọc cuốn Dốc hết trái tim của CEO Starbucks Howard Schultz, bạn chắc chắn không thể quên được câu chuyện sâu sắc về tình yêu thương hiệu, về cách mà vị CEO này kết nối với nhân viên và khách hàng để xây dựng một thương hiệu Starbucks đầy cảm xúc.

Tiếp sau Dốc hết trái tim, Howard đã chắp bút viết nên cuốn Tiến bước (Onward). Ông kể về những khó khăn mà thương hiệu đã trải qua. Đã có những lúc khủng hoảng cùng cực, nhưng Starbucks vẫn tiến về phía trước với sự lãnh đạo cứng cỏi nhưng khéo léo của vị CEO tài ba và đầy tâm huyết này.

Tác giả sách Tiến bước – Onward

Câu chuyện thành công của CEO Howard Schultz đã tạo cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp hay cả những vị lãnh đạo có tên tuổi trong giới kinh doanh. Xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở Brooklyn, Howard đã vươn lên từ hai bàn tay trắng, trở thành một nhân viên văn phòng xuất sắc rồi vươn mình thành nhà lãnh đạo tài ba. Cuộc đời của ông gắn liền với Starbucks, với những thăng trầm của thương hiệu hàng đầu thế giới này.

review-sach-tien-buoc-onward
Review sách Tiến bước – Onward

Sách hay nên đọc: Review sách: 22 quy luật bất biến trong xây dựng thương hiệu – nền móng cho một thương hiệu mạnh và bền vững

Công ty phát hành NXB Trẻ
Ngày xuất bản 2015-03-18 00:00:00
Kích thước 13 x 20.5 cm
Loại bìa Bìa mềm
Số trang 584

Nội dung sách Tiến bước – Onward

Sách Tiến bước – Onward kể lại quãng thời gian khốn khó của Starbucks và cách thương hiệu cà phê này vượt qua khủng hoảng. Đằng sau câu chuyện của hãng, tác giả gửi gắm những bài học về việc xây dựng thương hiệu cùng cách điều hành, lèo lái một doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. 

Chúng ta sẽ học được cách tận dụng và kết nối những nguồn lực, nghệ thuật thu hút người tài và cách dùng trí tuệ cảm xúc để xây dựng niềm tin. Sách Tiến bước cũng có những phút giây nghẹt thở khi thương hiệu đặt trên bàn cân với những quyết định sống còn. Cùng xem lại hành trình băng qua biển dữ của Starbucks bạn nhé.

Đối mặt khủng hoảng 2007 – 2008

Sách Tiến Bước kể lại câu chuyện năm 2007. Năm 2007 đánh dấu những bước chững lại của thương hiệu cà phê Starbucks. Không có tăng trưởng, không có đổi mới. Mọi thứ dậm chân tại chỗ, nếu giữ nguyên tình trạng này, Starbucks sẽ thụt lùi.

Buổi trưa thứ ba, tháng 2 năm 2008, khoảnh khắc lịch sử diễn ra khi tất cả các cửa hàng Starbucks tại Mỹ đóng cửa. 7 100 cửa hàng bị đóng kín, trên cánh cửa đóng im lìm có dán dòng chữ: 

“Chúng tôi đang tranh thủ thời gian để hoàn thiện thức uống […].

Món […] hoàn hảo đòi hỏi phải làm đi làm lại cho thuần thục.

Vì vậy chúng tôi đang dốc sức hoàn thiện kỹ thuật pha chế của mình”.

Trong khi đó, trên khắp các thành phố, các nhóm săn tin chĩa máy quay vào những cửa hiệu đóng kín của chúng tôi trong khi phóng viên phỏng vấn khách hàng. “Một Thế giới Không Còn Starbucks?” tờ The Baltimore Sun giật tít. Trên tờ New York City thì là: “Starbucks ngừng kinh doanh – một nỗi đau ‘vĩ đại’ với người dân New York”. 

review-sach-tien-buoc-onward-2
Review sách Tiến bước – Onward

Sách hay nên đọc: Review sách: Những tay tiếp thị đều là kẻ nói dối – cách làm marketing trong một thế giới vốn ít những niềm tin

Trước tỉnh cảnh dậm chân tại chỗ của chuỗi cửa hàng Starbucks, Howard đã lùi về sau cánh gà nay lại lên nhậm chức chủ tịch và giám đốc điều hành. Ông đã đưa ra quyết định đóng cửa tất cả các cửa hàng tại Mỹ, mặc cho cổ phiếu của hãng rớt giá thê thảm tại phố Wall. Nhưng Howard chọn thành thật với chính mình, ông lùi một bước để tiến vạn bước.

Starbucks chấp nhận một sự thật rằng cafe của hãng – linh hồn của Starbucks không còn đủ chất lượng nữa. 

Bước chuyển mình của Starbucks

Quyết định đó đã đánh dấu sự ra đời của thức uống espresso. Thức uống hoàn hảo được nhân viên Starbuck đổ hết thời gian và công sức nghiên cứu, nâng cao kĩ thuật pha chế chính là espresso. 

Quyết định táo bạo của Howard lúc đó đã đưa Starbucks trở lại vị thế vốn có của mình. Quay lại với triết lý tối cao là trân trọng trải nghiệm khách hàng, Howard muốn khách hàng của mình được tận hưởng những ly cà phê tuyệt hảo nhất, trong một không gian thoải mái nhất, nơi được gọi là “chốn thứ ba” đằng sau ngôi nhà quen thuộc và văn phòng chật hẹp.

Trong kinh doanh, có những lúc người lãnh đạo doanh nghiệp phải đối mặt với những quyết định mạo hiểm mang tính sống còn. Quyết định thay máu doanh nghiệp ấy sẽ vấp phải những sự phản đối của những người đồng cấp và ánh nhìn dò xét từ phía truyền thông. Nhưng vì mục đích chung là sự phát triển của doanh nghiệp, Howard buộc phải làm vậy. Và ông đã làm đúng.

Thay đổi nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc

“Ngày hôm đó không phải là mọi thứ đều suôn sẻ. Như đã dự đoán từ trước, Starbucks bị thất thu. Khoảng 6 triệu đô. Một đối thủ cạnh tranh cố gắng mua chuộc khách hàng chúng tôi bằng cách khuyến mãi 99 xu cho các thức uống biến tấu từ espresso. Một số nhà phê bình tỏ ra gay gắt, khăng khăng rằng khi chúng tôi thừa nhận mình đang suy yếu, chúng tôi đã mãi mãi làm sứt mẻ thương hiệu Starbucks. Nhưng tôi tự tin rằng chúng tôi đã làm đúng. Làm sao có thể sai được khi chúng ta đầu tư vào yếu tố con người?”

Qua cuốn sách Tiến bước, ta có thể nhận thấy, tôn chỉ của Starbucks, cũng là thứ làm nền văn hóa của thương hiệu mang tính biểu tượng này chính là niềm trân trọng giá trị con người. Nhận thấy những bước lùi của thương hiệu, Howard hiểu rằng mấu chốt vấn đề là nhân viên không được đào tạo và truyền cảm hứng đúng cách.

Dù đưa ra quyết định nào, thay đổi thương hiệu ra sao, Howard vẫn giữ nguyên kim chỉ nam của Starbucks – cũng là nhân tố thành công của thương hiệu này – đó chính là tập trung vào yếu tố con người, đó cũng là nhân tố giúp thương hiệu Starbucks mạnh mẽ tiến bước.

Quyết định quay trở lại của CEO Howard

Sách Tiến bước làm tôi vô cùng ấn tượng với câu nói của Howard khi giải thích lý do ông quay trở lại Starbucks, là ông yêu gia đình mình và công ty, rằng trên đời này không có gì là ông không thể làm cho gia đình và công ty của mình.

review-sach-tien-buoc-onward-3
Review sách Tiến bước – Onward

Xuyên suốt những thăng trầm của Starbucks, hơn 40 năm gây dựng thương hiệu toàn cầu, Howard luôn khiến người khác phải nể phục vì tình yêu với công việc, niềm đam mê với hạt cà phê và sứ mệnh đưa cà phê thành một nền văn hóa trên toàn thế giới.

Những quyết định của Howard đã phản ánh con người ông, đó là sự tổng hòa của những quyết định táo bạo, sáng suốt cùng với tình yêu và cái tâm với nghề.

Lời kết

Đọc sách về kinh doanh mà gay cấn như truyện phiêu lưu, trinh thám, bạn sẽ phải thốt lên như vậy sau khi đọc xong cuốn Tiến bước của Howard Schultz. Tuy kể lại câu chuyện của một thương hiệu cà phê đứng đầu thế giới nhưng Howard lại chọn cách truyền tài gần gũi, giản dị và không hề sáo rỗng, giáo điều. 

Nhưng người đam mê xây dựng thương hiệu, hãy đọc cuốn Tiến bước để được truyền cảm hứng làm những điều bạn chưa từng làm.

Sách hay nên đọc: Review sách: Tiếp thị 4.0 – học cách làm marketing thông minh trong thời đại số

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây