Thời kỳ hội nhập mang đến đất nước chúng ta những cơ hội mới, những luồng văn hóa mới nhưng cũng đi kèm cái giá là sự biến chất, mai một của nhiều giá trị văn hóa truyền thống quý báu. Thói sính ngoại đã lan đến cả những vùng thôn quê và có những thay đổi đáng kể lên tư duy người Việt, lên cách chúng ta quan sát, cảm nhận và giữ gìn văn hóa phương Đông.
Cùng đọc cuốn Văn minh Đông Phương và Tây Phương của tác giả Nguyễn Duy Cần để có cái nhìn sâu sắc, khúc chiết hơn về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa này.
Mục Lục
Tác giả cuốn Văn minh Đông Phương và Tây Phương
Văn minh Đông Phương và Tây Phương là một cuốn sách nổi tiếng khác của học giả Nguyễn Duy Cần. Cụ Nguyễn Duy Cần là một nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà văn lỗi lạc của Việt Nam trong thế kỷ 20. Cụ để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ và có giá trị tham khảo vô cùng lớn.
Những cuốn sách của Nguyễn Duy Cần đến nay vẫn được người đọc vô cùng trân trọng bởi những giá trị vượt thời gian. Những cái tên nổi bật phải kể đến như Tôi tự học, Óc sáng suốt, Thuật yêu đương, Cái dũng của thánh nhân, Văn minh Đông Phương và Tây Phương,…
Sách hay nên đọc: Review sách: Tôi tự học – Cách học xứng đáng với cái tầm của từng trang sách
Công ty phát hành | NXB Trẻ |
Ngày xuất bản | 2017-04-11 00:00:00 |
Kích thước | 13 x 19 cm |
Số trang | 168 |
Nội dung cuốn Văn minh Đông Phương và Tây Phương
Trước tình trạng người Việt chuộng Tây hơn Đông, người phương Đông bị Tây hóa quá nhanh, cuốn sách Văn minh Đông Phương và Tây Phương bàn luận về những cái hay, những giá trị vượt bậc của Đông phương và những cái chưa hay trong nền văn hóa Tây phương.
Phân tích, so sánh những cái hay dở trong tinh thần, tư tưởng, đạo lý giữa hai nền văn minh, Văn minh Đông Phương và Tây Phương rút ra những cái chung nhất như sau:
Người phương Đông
Dễ thấy, sách vở kinh điển của Đông phương thường dùng lối hành văn rất vắn tắt, ít lý luận và không đi vào mình chứng dài dòng. Mục đích của lối viết ấy là để người đọc phải dụng công suy nghĩ. Việc của họ là gợi lên trong người đọc manh nha những luồng tư tưởng chứ không truyền bá, gượng ép.
Hiểu biết là phải tự mình tìm ra, tự mình chiêm nghiệm chứ không phải được nhồi sọ. Học của người khác không phải để chạy theo họ, mà để làm sâu hơn, làm dày hơn vốn hiểu biết của mình.
Theo Văn minh Đông Phương và Tây Phương, người phương Đông thiên về phẩm và coi nhẹ lượng. Họ luôn tự đặt những câu hỏi về bản thân với mục đich cuối cùng là tu tập để giải thoát. Đặt mục đích tối cao là hiểu bản thân, vì hiểu bản thân – cái tiểu vũ trụ trong chính mình, thì mới hiểu được vũ trụ cao rộng ngoài kia.
Nhiều nước phương Đông bị tụt hậu so với phương Tây vì họ không trọng vật chất. Đa số các nước này đã trở thành thuộc địa của các nước thống trị. Một số nước lại vươn lên thành cường quốc nhưng sau đó lại chà đạp lên các quốc gia khác.
Sách hay nên đọc: Review sách: Óc sáng suốt – Tư duy là một công trình nghệ thuật
Người phương Tây
Người phương Tây nhận xét rằng sách vở phương Đông viết tối tăm, mơ màng, không được rõ ràng và minh bạch như Tây phương. Trái lại, nhiều học giả phương Đông lại nhận xét lối văn của phương Tây là nông nổi, gượng ép, vì cố nhồi vào tâm trí người đọc những tư tưởng chủ quan của mình mà không cho họ tự khái quát, tự thấm thía, làm mất tinh thần và bản chất vốn có của người đọc.
Theo Văn minh Đông Phương và Tây Phương, người phương Tây theo đuổi tự do vật chất. Nhiều người cho rằng tự do vật chất sẽ cho họ tự do tinh thần. Nhưng chính vì khát khao độc lập vật chất này, họ đã dồn loài người tới những cuộc chiến tranh phi nghĩa, cốt để tranh giành của cải và quyền lực.
Gần 200 năm nay, loài người chạy theo chủ nghĩa vật chất, mải mê đánh chiếm mà quên mất việc quan trọng là phát triển tâm thức, nhìn sâu vào những nhu cầu bên trong mình.
Trích dẫn hay từ cuốn Văn minh Đông Phương và Tây Phương
Cái học của người Đông phương là cái học siêu hình về Bản thể, chứ không phải thuộc cái học về sắc tướng, hướng về sự trở nên như của người Tây phương. Người Đông phương suốt đời chỉ tìm mà thực hiện lại cái Duy nhất ấy, trở về cái nguồn gốc ấy (bản thể).
Bản thể có sẵn nơi mỗi người. Vì thế, người Đông phương không tìm cách trở nên cái toàn thiện của bên ngoài, nghĩa là không tìm mà mô phỏng theo cái toàn thiện của kẻ chung quanh. Trái lại, họ tìm mà thực hiện cái Bản thể nơi bản thân họ, cho nên cái học của họ là cái học từ giác, tu thân, phản tỉnh.
Và cũng nhân đó, quan niệm về sức mạnh của họ không phải đem cái vũ lực để chinh phục thế giới bên ngoài như Tây phương mà là cái sức mạnh tinh thần, lo chinh phục, chiến thắng mình trước hết.
“Trước làm sáng cho mình, sau làm sáng cho người”
“Tu thần, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”
Trái lại, kẻ (người Đông phương) đã tự mình nhận chân được cái kho tàng bất tận nơi mình rồi, thì người đó ắt không còn khao khát gì về ngoại vật nữa, và cũng nhờ đó mà lòng họ được bình tĩnh, thản nhiên hơn với những biến cố trong đời.
Theo người Tây phương, mỗi một cái gì bên ngoài kích thích ám ảnh mình mà mình mong ước và mình tìm được phương thế để thỏa mãn được, nghĩa là mình chinh phục hay thâu trữ được, đó gọi là một tiến bộ, … cho nên thời gian của họ rất eo hẹp.
Họ trở nên bồn chồn, vất vả, lo âu, băn khoăn, náo động đến nỗi không kịp ngày giờ để trầm ngâm suy nghĩ. Bởi vậy, tâm họ thiếu kiên nhẫn, ưa vụt chạc, rất nóng nảy. Còn người Đông phương, trái lại hòa hoãn, ung dung, thản nhiên, bình tĩnh và thích trầm ngâm tư tưởng hơn. … Và vì thế, người Tây phương chê người Đông phương là làm biếng.
Người Tây phương là người hành động. Họ đánh giá con người theo cái năng lực sản xuất vật chất của người ấy. Con người đắc lực của họ, tựu trung là người thành công về vấn đề tiền bạc, vì tiền bạc là phương tiện để họ sai sử thế giới chung quanh, để nâng cao giá trị bên ngoài, để bù đắp cái nghèo kém tinh thần của họ.
Anh Trung Hoa nói: “Hễ được phần này thì mất phần kia. Máy bay giúp cho người ta giao dịch mau lẹ, nhưng nó cũng đã giúp cho chiến tranh tàn phá gớm ghê. Cũng không có một tiến bộ gì mà không có một thối bộ khác bù vào.”
Bình đẳng của Đông phương căn cứ trên sự bất bình đẳng tự nhiên, cho rằng con người sanh ra không ai bình đẳng cả về phẩm chất. Tuy nhiên, người Đông phương rất quý trọng cá nhân, mỗi cá nhân đều có giá trị tuyệt đối nếu họ biết thực hiện đến mức cùng cực cái thực thể của bản thân họ. (Trong một dàn nhạc, cái tận thiện của một nhạc sĩ đờn vĩ cầm không giống cái tận thiện của một nhạc sĩ đờn dương cầm).
(Trích ” Văn minh Đông Phương và Tây Phương”)
Nhận xét về cuốn Văn minh Đông Phương và Tây Phương
Sách Văn minh Đông Phương và Tây Phương gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm về văn hóa, khi cái hồn phương Đông đang bị chủ nghĩa thực dụng của phương Tây hút cạn.
Đọc sách Văn minh Đông Phương và Tây Phương, ta thấy trân trọng hơn tâm hồn, cốt tủy của một nên văn minh với những giá trị cao đẹp và sâu sắc. Nền văn minh phương Đông hướng nội giúp chúng ta sống bình tĩnh, than thản, chịu khó đi sâu vào bên trong để tìm hiểu chính mình và sống đời thiện lương hơn.
Nguyễn Duy Cần đem tư duy của văn minh phương Đông vào những cuốn sách của cụ. Không gò ép ai theo tư tưởng của mình, không vẽ sẵn lối đi mà chỉ gợi mở để người đọc tự nghiên cứu và suy ngẫm.
Dẫu rằng mỗi văn hóa đều có cái hay dở, nhưng trước thực trạng văn hóa Đông phương đang bị mai một này, chúng ta cần đọc để hiểu hơn và giữ gìn những gì quý giá nhất của dân tộc ta.
Lời kết
Cảm tạ cụ Nguyễn Duy Cần bởi những cuốn sách sâu sắc và giàu giá trị như Văn minh Đông Phương và Tây Phương. Vỏn vẹn 168 trang giấy, sách đã cho chúng ta quay ngược thời gian và nhìn sâu hơn vào tâm hồn dân tộc để thêm trân trọng nền văn minh Đông phương này.
Sách hay nên đọc: Review sách: Thuật Yêu Đương – đừng nói ái tình không cần đến lý trí
Cảm Nhận Của Độc Giả