Một cuốn sách hay là tác phẩm có khả năng lay động tâm trí người đọc. Là khi đọc xong cuốn sách, ta vẫn đuổi theo hình dáng, suy nghĩ của nhân vật mà trăn trở, suy tư. Tuổi Thơ Dữ Dội của Phùng Quán là một tác phẩm xuất sắc như thế. Kết thúc cuốn tiểu thuyết, ta vẫn không thôi ám ảnh bởi giọng hát, khuôn mặt của những em thiếu niên của Vệ Quốc Đoàn.
Mục Lục
Tác giả cuốn Tuổi Thơ Dữ Dội
Tuổi Thơ Dữ Dội là cuốn tiểu thuyết lừng danh của nhà văn Phùng Quán, được chắp bút từ năm 1968 nhưng phải sau 20 năm mới chính thức hoàn thành.
Phùng Quán là nhà văn nhưng cũng là chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn. Ông viết văn, sáng tác thơ trong khoảng thời gian của cuộc chiến tranh Đông Dương. Tài năng của ông được khẳng định sau tác phẩm Vượt Côn Đảo, nhưng mãi đến sau Đối Mới, tên tuổi của ông mới thực sự được chú ý.
Phùng Quán chính là cháu của nhà văn Tố Hữu tài năng. Ngoài Tuổi Thơ Dữ Dội, ông còn có những tác phẩm nổi tiếng khác, như Ba Phút Sự Thật, Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào, Trang hoàng cung,..
Sách hay nên đọc: Review sách: Đi Trốn – Bình Ca – cuộc phiêu lưu kì thú nơi núi rừng hoang vu
Công ty phát hành | Trí Việt |
Ngày xuất bản | 2013-07-05 00:00:00 |
Kích thước | 13.5 x 20.5 cm |
Loại bìa | Bìa cứng |
Số trang | 723 |
Nội dung sách Tuổi Thơ Dữ Dội
Tuổi Thơ Dữ Dội kể lại câu chuyện của Đội Thiếu niên Trinh sát trung đoàn Trần Cao Vân. Khác với những câu chuyện chiến tranh thường thấy, sách không tập trung miêu tả những anh lính cụ Hồ oai phong lẫm liệt, những mối tình chiến sĩ đi cùng năm tháng, mà nhân vật chính của Tuổi Thơ Dữ Dội là những chú bé tham gia Vệ Quốc Đoàn từ năm 12, 13 tuổi.
Có ba nhân vật xuất hiện nhiều trong cuốn tiểu thuyết, đó là ba chú bé Lượm sứt, Quỳnh sơn ca và chú bé Mừng.
Lượm sứt là con nhà có nòi làm cách mạng. Ông nội, chú, o và ba Lượm đều là Việt Minh chính cống. Ba Lượm bị bắn chết khi em mới 2 tuổi chẳng nhớ mặt cha. Lượm đã giác ngộ lý tưởng cách mạng từ sớm. Em là chú bé khẳng khái, hy sinh quên mình vì tổ quốc, chỉ bật khóc khi thấy chỉ huy của mình bị bắt giam.
Quỳnh sơn ca là con nhà danh giá. Tuy em không có sức khỏe, cũng không được nhanh nhẹn như các bạn đồng trang lứa nhưng em có tình yêu vĩ đại với âm nhạc và tổ quốc. Em truyền cảm hứng chiến đấu cho cả chiến khu với những bài hát hào hùng mình tự sáng tác.
“Sông Ô Lâu đôi bờ trắng tóc lau
Hát lời thế kháng chiến đến bạc đầu”
Mừng là chú bé tham gia vào đội thiếu niên trinh sát từ năm 12 tuổi. Nhỏ như que diêm, ngây thơ như đúng lứa tuổi của mình, em nổi bật lên với sự hiếu thảo gây bao niềm xúc động cho độc giả. Tuy bé nhỏ nhưng vô cùng nhanh nhẹn, tháo vát, em đã giúp đội lập được nhiều chiến công và quyết không làm mất danh dự của Vệ Quốc Đoàn.
Ngoài ba nhân vật chính, truyện còn liên tục tiếp nối bởi hình ảnh của cậu bé Vịnh sưa, Bồng da rắn, Tư dát hay Vệ to đầu,… Tất cả đều hiện lên sống động, đầy cảm hứng khiến người đọc không khỏi nể phục.
Ở cái tuổi cắp sách đến trường, các em đã quên thân vì Tổ Quốc, hy sinh thân minh làm lính trinh sát, làm giao liên cho bộ đội chiến khu.
Có người may mắn sóng sót, có người vĩnh viễn ra đi, nhưng máu và ý chí của các em đã góp phần đem về độc lập tự do cho cả dân tộc. Hình ảnh các em nhỏ trong trung đoàn Trần Cao Vân vẫn còn sống mãi tới ngày nay và cả mai sau.
Sách hay nên đọc: Review sách: Quân Khu Nam Đồng – ký ức đa sắc của những đứa con nhà lính
Nghệ thuật trong cuốn sách Tuổi Thơ Dữ Dội
Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Phùng Quán thật có khả năng miêu tả và kể chuyện tài ba. Nhân vật ông dựng lên trong trang sách sống động như người anh, người chị, người em của chúng ta.
Mỗi chú lính trinh sát có một ngoại hình, một tích cách, một sở thích và tài năng khác nhau. Cả trung đoàn có tới ba chục đứa trẻ, rất nhiều nhân vật trong cuốn sách dài 700 trang nhưng kết hợp với nhau tạo nên một tiểu thuyết anh hùng với màu sắc riêng biệt.
Cái tài của tác giả là kết hợp ngoại hình tiêu điều với ý chí cứng cỏi như thép như đồng trong cùng một nhân vật. Những em bé 13, 14 tuổi, mặc cái áo rách như tổ đỉa, người gầy giơ xương với chi chít những nốt ghẻ mà lại là người chiến sĩ bất khuất, kiên cường. Các em đảm đương những công việc hàng ngày như giao thư, canh đài quan sát, tuy thầm lặng như góp phần quan trọng trong chiến thắng chung.
Tình huống truyện hồi hộp, bất ngờ
Từ đầu chí cuối cuốn tiểu thuyết Tuổi Thơ Dữ Dội, chẳng mấy khi chúng ta có thể ngồi yên theo dõi, vì tình tiết trong truyện liên tục bị đẩy lên cao trào. Những lần Lượm vượt ngục, những lần Mừng đối mặt với Việt gian hay Quỳnh đối đáp với người nhà đều làm người đọc đứng ngồi không yên.
Khéo làm sao khi tác giả sắp xếp các chi tiết và các nhân vật không bị trùng lặp, chồng chéo.
Lối viết linh hoạt, cảm xúc
“Đọc Một Lít Nước Mắt mà vẫn cứ tỉnh rụi, đọc Tuổi Thơ Dữ Dội tự nhiên khóc như mưa như gió”, có độc giả đã nhận xét như vậy về những cảm xúc mà Phùng Quán gieo vào trái tim người đọc.
Ngay từ những trang đầu, Tuổi Thơ Dữ Dội đã khiến chúng ta thổn thức vì thương xót cho số kiếp bất hạnh của những đứa trẻ không mẹ, không cha, rồi cái cách những đứa trẻ yêu thương, bao bọc lấy nhau trong vất vả, khốn khó. Xúc động nhất là những cái chết bi thương nhưng không kém phần anh dũng, hào hùng.
Xen vào đó vẫn là những tiếng cười vô tư, lạc quan của bầy trẻ lên mười. Gác cây súng, chúng vẫn mê trọi gà, đánh dế.
Nước mắt và nụ cười kết hợp lại thành một bản hòa ca cảm xúc, dẫn dắt ta đi từ khổ đau, tuyệt vọng rồi hy vọng lại được tái sinh.
Một số đoạn trích đáng chú ý từ Tuổi Thơ Dữ Dội
“Đánh đuổi hết tụi Tây cướp nước, giành được độc lập rồi thì ai ai cũng được sung sướng. Những người cực khổ như mạ em dù có mắc bệnh chi nặng mấy cũng được Chính phủ chữa cho lành… Em muốn theo các anh đánh Tây cho nước nhà được độc lập, để sau ni lỡ mạ em có mắc bệnh chi còn nặng hơn cả bệnh hen suyễn, cũng được Chính phủ chữa cho lành…”
“hững ngày sắp tới đối với người chiến sĩ trinh sát chúng ta sẽ là những ngày tuyệt đẹp, nhưng đồng thời cũng đầy gian khổ hiểm nghèo. Trong chiến đấu các em có thể bị thương, bị giặc bắt, thậm chí có thể hy sinh. Nhưng chưa lúc nào như lúc này, anh thấy tin tưởng một cách sâu sắc rằng, những ngày sắp đến dù vấp phải gian khổ hiểm nghèo đến đâu, nhất định các em cũng sẽ làm đúng được như lời các em vừa hát: “Ra đi, ra đi thà chết không lui…”
“Nhưng em ngây thơ quá, trong sạch quá. Em không hiểu và cũng không tin, trong cuộc sống mà em đang sống vẫn tồn tại cái ác, cái xấu xa phản trắc, những âm mưu lừa lọc…”
Lời kết
Là người Việt Nam, nhất định đừng bỏ qua cuốn tiểu thuyết xuất sắc bậc nhất Tuổi Thơ Dữ Dội. Đọc sách để cùng khóc, cùng cười, cùng nếm trải những đắng cay và vinh quang của cuộc chiến bảo vệ dân tộc, để biết rằng ta đã may mắn biết bao khi tương lai của ta được đánh đổi bằng nước mắt và máu của biết bao người.
Sách hay nên đọc: Review sách: Nhật ký Đặng Thùy Trâm – cuốn nhật ký lưu giữ ngọn lửa không bao giờ tắt của tuổi trẻ