Review Sách Rong Chơi – Trần Lập: Rock, Motor Và Những Cung Đường

0
1441
review-sach-rong-choi-tran-lap
Review sách Rong chơi – Trần Lập

Yo Le: “Lúc trước em có nghe nói anh muốn được viết trung thực về mình?”

Trần Lập: “Đã có những bài báo, bài viết tung hô bọn anh lên mây, nhưng anh không thích và không chia sẻ nó. Em cứ viết đúng góc nhìn của một người yêu nhạc muốn tìm hiểu đi, có điểm mù thông tin nào thì cứ hỏi.”

Bắt đầu bằng một cuộc hội thoại mở lòng như thế, hồi ký “Rong chơi” được chấp bút trong vòng 6 tháng, chỉ hoàn thành 2 tháng trước ngày anh ra đi… Qua giọng kể của cây bút trẻ Yo Le, chân dung của cố nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập dần được khắc họa rõ nét, chân thực. Tác phẩm truyền cảm hứng như một bản rock nhiều cung bậc trầm bổng, cất lên bài ca về cuộc đời một nghệ sĩ tài ba, sống nhiệt huyết đến hơi thở cuối cùng.

Tác giả cuốn Rong chơi 

Yo Le (tên thật Lê Thu Thủy) là một cây viết tự do được biết tới qua những truyện ngắn của chương trình Văn nghệ thiếu nhi, Đài tiếng nói Việt Nam. Mới đây, chị cho ra mắt cuốn sách về con người và cuộc đời nam ca sĩ Trần Lập dưới một góc nhìn hoàn toàn mới lạ hé lộ thêm nhiều điều người hâm mộ chưa biết về anh.

Từ mối cơ duyên, tác giả Yo Le đã hoàn thành cuốn sách “Rong chơi” trong 6 tháng như một khắc họa về rocker Trần Lập bản lĩnh và đầy đam mê.

review-sach-rong-choi-tran-lap
Review sách Rong chơi – Trần Lập

Sách hay nên đọc: Review Sách Gã Nghiện Giày – Tự Truyện Của Nhà Sáng Lập Nike

Nội dung cuốn sách Rong chơi

Những trang sách đầu tiên bạn sẽ được nghe kể về Trần Lập – một cậu bé chưa đầy sáu tuổi bị nhốt trong nhà khi người lớn đi vắng. Cánh cửa gỗ đầy mối mọt bị đóng chặt lại khiến nỗi sợ ma quỷ vô hình bỗng cao vút, cậu nhóc cô độc chỉ biết gào lên những ca khúc đã thuộc lòng từ lâu để xua tan từng cơn sợ hãi. Cậu bé với chất nghệ sĩ chảy âm ỉ trong huyết quản của mình thế nhưng cuộc sống gia đình quá khó khăn khiến những năm tháng mới lớn của cậu đầy giông bão.

Trần Lập sống cùng cha mẹ trong căn hộ chỉ có 16 mét vuông xuống cấp và xập xệ. Cha Trần Lập bị liệt nửa người do tai biến, mẹ bị thấp khớp mãn tĩnh cũng gần như bại liệt. Nhà đông con, nhưng các chị phải ra nước ngoài kiếm sống, anh cả đã có gia đình lại là dân xã hội nên mọi gánh nặng trong nhà đổ dồn lên vai cậu nhóc vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Thương bố mẹ, cậu cố gắng làm tất cả những gì mình có thể làm từ việc khoác lên mình tấm áo của dân xã hội rồi tới mọi loại nghề làm đêm nhưng tất cả đều xôi hỏng bỏng không. Những tưởng mọi lối thoát đều đóng lại nhưng một cánh cửa kì lạ đã mở ra với cậu tại một sàn nhảy có tiếng ở Hà Nội. Và cũng chính từ đây, cậu đã bước chân vào con đường âm nhạc – tiếng gọi của định mệnh, hành trình hướng tới ước mơ của cuộc đời mình.

Từ đây là những câu chuyện xoay quanh việc chơi Rock, hành trình 12 năm của nhóm Bức Tường qua những sự kiện, cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời Trần Lập. Là những khó khăn khi theo nghề “chơi Rock” – đứa con ghẻ của thị trường nhạc Việt thời bấy giờ, những thách thức khi thành lập ban nhạc cùng vô số những đau thương chồng chất, nỗi đắng cay của thú chơi nhạc đầy cô độc này.

Bên cạnh Rock, Trần Lập còn có niềm đam mê với moto và những cung đường. Thú xế độ và thú xê dịch trở thành một trong những hành trình đầy thú vị không chỉ đem lại niềm cảm hứng cho việc sáng tác mà còn giúp Trần Lập trưởng thành và hiểu biết hơn.

Những tưởng sau bao gian nan, vất vả mọi chuyện sẽ dễ thở hơn với Trần Lập thế nhưng cánh cửa cuối cùng của cuộc đời lại ập đến quá sớm: Thủ lĩnh” của ban nhạc Bức Tường qua đời ở tuổi 42 sau 4 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng.

Giá trị cuốn sách Rong chơi

Sự mạnh mẽ của một người đàn ông

Giới mộ điệu đã quen với hình ảnh một Trần Lập đậm “chất chơi”, đậm “cái tôi” đến từng hơi thở với Rock, mô tô, phượt bụi, xăm hình, cà phê và hút tẩu, nhưng mấy ai biết được phía sau ánh hào quang của một ca nhạc sĩ đầy cá tính ấy, anh đã trải qua, đã từ bỏ và đã hy sinh những gì…

Đó là một chàng trai, vượt qua hết thảy những gian truân trong cuộc sống, với vốn liếng trong tay lúc bắt đầu chỉ là sức khỏe, tuổi trẻ là niềm khát vọng được hát, anh đã vươn tay chạm tới giấc mơ của mình.

Từ một cậu nhóc bị nhốt sau khung cửa mỗi khi người lớn vắng nhà, cất tiếng hát theo chiếc đài Liên Xô bên khe cửa hấp háy sáng. Nhờ nguồn băng đĩa lậu do anh trai buôn về, cậu được nghe nhiều thể loại từ nhạc vàng cho tới nhạc ngoại.

Mà mê tít hơn cả là các tác phẩm của Smokie, Queen, Deep Purple… bởi chất mạnh mẽ trong những ca khúc đó dường như hòa nhịp vào từng khát khao trong huyết quản của cậu: muốn bứt mình ra khỏi sự yếu đuối. Rock gieo mầm, cứu rỗi linh hồn cậu, để trở thành thủ lĩnh của ban nhạc tượng đài Rock Việt mà bây giờ người người biết đến.

Từ một cậu học sinh mang gánh nặng cơm áo gạo tiền trên vai, khi đấng sinh thành đều mất khả năng lao động vì bại liệt mà anh chị thì đã rẽ ngang, của nả trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Đã có lúc cậu chỉ muốn “nhảy béng từ tầng ba nhà xuống đi cho xong hết những cục uẩn ức, nặng nề.” Thật may là những lo toan bộn bề quá đỗi nặng nề ấy không đủ sức hạ gục cậu học trò nhỏ.

Nghị lực phi thường khiến cậu không từ bỏ. Cậu chuyển từ nghề này qua nghề khác. Làm cái này không được thì làm cái khác. Cậu vật lộn với cuộc sống mưu sinh, dù thậm chí có lúc đứng trên ranh giới sáng tối của cuộc đời… Người thanh niên ấy đã trở thành cha đẻ của ca khúc mà gần 20 năm qua vẫn vang lên mỗi khi người lên đỉnh vinh quang được xướng danh.

review-sach-rong-choi-tran-lap-3
Review sách Rong chơi – Trần Lập

Sách hay nên đọc: Review Sách Tự Truyện Benjamin Franklin – Cuốn Tự Truyện Đáng Đọc Nhất Trong Lịch Sử Thế Giới

Từ một gã đờn ca nghiệp dư trong các sàn nhảy, trở thành linh hồn và đầu tàu của những Rockstorm, những Rock Concert, những rocktour, những liveshow hoành tráng nhất lịch sử nhạc Rock Việt.

Sự mạnh mẽ của người đàn ông ấy được xây đắp từ những gập ghềnh khúc khuỷu trên mỗi nẻo đường đời anh kinh qua, kiên cường tới mức khi lâm trọng bệnh, Trần Lập vẫn tiếp tục truyền lửa và ý chí cho người yêu mến âm nhạc của mình và Bức Tường.

Vẫn đam mê, và âm nhạc kéo chúng tôi đi

Vào những năm cuối thế kỷ XX, trước một Việt Nam với quan niệm phương Đông còn khá bảo thủ, thì sự du nhập của văn hóa phương Tây, với nhạc Rock là một điều gì đó còn khá dị hợm trong mắt nhiều người. Đặc biệt một bộ phận lớn Rock Fan cho rằng Rock bằng tiếng Việt là thứ “hoàn toàn vớ vẩn”. Nghề “chơi Rock” như đứa con ghẻ của thị trường nhạc Việt thời bấy giờ.

Còn với Bức Tường nói chung và cá nhân Trần Lập nói riêng, Rock là mạch sống, là lý tưởng một đời. Anh cùng đồng đội đã đập tan những định kiến, đưa những “Hoa ban trắng”, những “Mắt đen”, những “Bông hồng thủy tinh” vào lòng người yêu nhạc, nhóm lên ngọn lửa để cháy đượm một thời huy hoàng của rock Việt, của những giai điệu mộc như đất, gần gũi và dễ thấm nhuần.

Từ liveshow đầu tiên “Tâm hồn của đá” cho đến “Ngày thứ Bảy cuối cùng” – Bức Tường tuyên bố tan rã, 12 năm vinh quang cùng cay đắng. Cái tên Bức Tường có quãng thời gian đứt gãy nhưng âm nhạc của họ thì không.

Từ bỏ vì sự khắc nghiệt của showbiz và tái hợp vì “Âm nhạc kéo chúng tôi đi” – với “Ngày khác” Bức Tường chơi nhạc bằng một tâm thế khác, không phải để gầy dựng vị thế chinh phục những đỉnh núi cao hơn nữa, họ chơi nhạc vì đam mê âm nhạc, chơi những thứ mình muốn và tự quyết định cho âm nhạc của mình.

Dĩ nhiên cái nghề “chơi Rock” cũng tốn kém lắm, khi mà anh phải thốt lên rằng: “Sau 20 năm, Bức Tường vẫn thiếu tiền.” Có một dạo, anh thở dài: “Khi ban nhạc mới thành lập, niềm tin của anh với âm nhạc là 8 phần. Khi Bức Tường trở lại niềm tin chỉ còn 5. Và bây giờ chỉ còn 3 thôi. Anh thậm chí chẳng muốn nhắc đến âm nhạc nữa.”

Ấy vậy mà, bẵng đi một tháng sau, người đàn ông ấy lại đi vào phòng thu. Bởi, trở lại với âm nhạc, anh mới cảm thấy mình “được sống”.

Muốn tìm thấy giá trị gì đó, ta phải đi săn

Dường như mỗi câu mà Trần Lập nói ra, anh đều thực hiện được, dẫu khó khăn, dẫu thời gian ngắn dài, mang tâm thế “không từ bỏ”, lao động một cách nghiêm túc, anh luôn tạo ra một kết quả đáng tự hào.

“Dù phải bóp chết cái não của mình, cũng phải tạo ra cái mới, không thể biến mình thành một thứ quả ôi thiu được. Sai có bỏ. Hỏng có thể làm lại. Nhưng phải làm.” – Trần Lập

Luôn tìm tòi cái mới, ưa sự khác biệt, thay vì chạy theo trào lưu hay sống nhàn nhạt ẩn mình như nhiều người, Trần Lập luôn đậm cái tôi cá nhân, luôn nổi trội là bởi vậy.

Trần Lập – Nguồn cảm hứng sống bất tận

“Bác sĩ giáo sư đã nhẹ nhàng gọi hai vợ chồng mình để thẳng thắn thông báo. Mình thích thế, không giấu giếm kiểu phim sến sủng ủy mị. May quá bà xã mình vẫn vững vàng. Dù sao thì cũng đã phác ra hướng phẫu thuật ngay còn kịp. Trong đầu vùn vụt ngổn ngang bao nhiêu suy nghĩ bao câu hỏi ập tới. Tại sao?

Mình ra về chuẩn bị tâm thế đối diện vụ này. Nhưng lúc ngồi trên xe nhắn tin cho vài anh em thấy tay run quá. Có những cú gọi lại mà hít hơi nén sâu vài nhịp mới nói rõ ràng được. Đúng là cuộc đời que diêm trước gió ai biết được.

Trong cuốn Bên Kia Bức Tường mình có đôi ba lần nhắc tới chuyện đã suýt trở thành người lính. Đúng là mình chưa từng đi lính, chỉ là một người con của lính và đã đến lúc phải chiến đấu thực sự rồi. Bắt đầu kể từ lúc này.”

(Status trên Facebook của Trần Lập ngày anh phát hiện mình mắc ung thư)

Biến cố bất ngờ, một tháng sau chuyến đi vòng quanh Tây Bắc bằng chiếc Triumph, anh phát hiện mình bị bệnh hiểm nghèo (04/11/2015). Ấy thế mà chàng Rocker của làng nhạc Việt vẫn lạc quan, như một chiến binh quả cảm luôn sẵn sàng chiến đấu, anh vẫn cứ ngạo nghễ tựa một chiếc phân khối lớn vậy.

review-sach-rong-choi-tran-lap-2
Review sách Rong chơi – Trần Lập

Cuộc sống đôi khi tạo ra cho chúng ta những điều ta từng nghĩ trước đó. Hơn 10 năm trước anh viết “Đôi bàn tay”:

“Sóng gió cuộc đời chợt đến có ai chờ đợi.

Biết đâu một ngày phận người que diêm trước gió.

Lụi tàn trong một sớm không ngoài ai…”

Và liveshow “Bức Tường – Đôi bàn tay thắp lửa” vẫn ca khúc đó anh hát trong một hoàn cảnh khác, một cảm xúc khác… 

“Nhưng với muôn triệu người

Hơi ấm sẻ chia từng người

Năm đôi tay trần, dìu nhau qua cơn khốn khó

Tâm hồn luôn rộng mở rất chân thành…”

Lời kết

“Rong chơi” không phải là khúc khải hoàn, không quá huy hoàng, cũng chẳng bóng bẩy. Qua giọng văn rất mực dung dị mà gần gũi của Yo Le, “Rong chơi” đơn giản là bài ca về cuộc đời nhiều thăng trầm của thủ lĩnh bức tượng đài làng Rock Việt, một Trần Lập cháy hết mình với Rock, một Trần Lập ngầu bá cháy với mô tô, một Trần Lập sâu sắc hơn qua mỗi cung đường, một Trần Lập đầy lạc quan và quá đỗi kiên cường! Các bạn hãy tìm đọc và cùng chiêm nghiệm nhé.

Sách hay nên đọc: Review Sách Không Bao Giờ Là Thất Bại Tất Cả Là Thử Thách – Khao Khát Mạnh Mẽ Để Vươn Lên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây