Review Sách Mùa Lá Rụng Trong Vườn – Những Biến Động Trong Thời Buổi Giao Thoa

0
2298
review-sach-mua-la-rung-trong-vuon-ma-van-khang

Mùa Lá Rụng Trong Vườn của Ma Văn Kháng là những trang văn nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa nhiều trăn trở về thời cuộc. Đó là những biến động trong xã hội, đặt những truyền thống cũ vào bờ vực mai một khi đất nước chuyển mình sau chiến tranh. 

Tác giả cuốn Mùa Lá Rụng Trong Vườn

Tác giả tiểu thuyết Mùa Lá Rụng Trong Vườn là nhà văn Ma Văn Kháng. Ông sinh ra tại Hà Nội nhưng giảng dạy môn văn trong một trường cấp ba tại thị xã Lào Cai. Đó là lí do văn ông thường viết về cuộc sống và con người vùng núi. Mùa Lá Rụng Trong Vườn là một số ít những tác phẩm ông viết về Hà Nội.

Ma Văn Kháng đã đóng góp cho nền văn học nước nhà nhiều tác phẩm xuất sắc. Mùa Lá Rụng Trong Vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Vùng biên ải hay Mưa mùa hạ là những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn này.

review-sach-mua-la-rung-trong-vuon-ma-van-khang
Review sách Mùa Lá Rụng Trong Vườn

Sách hay nên đọc: Review sách: Bước Đường Cùng – tức nước ắt phải vỡ bờ mà thôi

Tóm tắt nội dung Mùa Lá Rụng Trong Vườn

Mùa Lá Rụng Trong Vườn lấy bối cảnh Hà Nội sau những năm chiến tranh. Chuyện kể về gia đình ông Bằng, một nhân viên bưu điện đã nghỉ hưu tại thủ đô và có năm người con trai. 

Anh cả Tường đã hi sinh nơi chiến trường, vợ anh là chị Hoài đã tái giá nhưng vẫn thường viết thư về thăm hỏi. Anh hai Đông là trung tá đã xuất ngũ, so với vợ là chị Lý thì anh có phần hơi lười biếng và xuề xòa. Con trai thứ ba của ông Bằng là anh Luận. Người con này là một nhà báo, luôn giữ trong mình những trăn trở, suy tư về cuộc đời. Vợ anh, chị Phượng, là một người phụ nữ tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

Mỗi người con một tính cách riêng. Con thứ tư của ông là Cừ thì ngỗ ngược, không nghe lời cha mẹ, từng bị đuổi khỏi quân đội. Con út, chú Cần, đang đi học ở Liên Xô và chuẩn bị về nước.

Ông Bằng sống cùng gia đình hai con trai trong một căn nhà yên bình và tĩnh mịch nơi đầu phố. Trái ngược với sự yên lặng của căn nhà, kể từ khi Cừ bỏ việc ở xí nghiệp và bỏ lại hai con nhỏ, trong gia đình đã có nhiều sự xáo trộn. 

Trốn sang Canada, Cừ nhận ra lỗi lầm của mình rồi viết bức thư cuối cùng gửi về nhà và uống thuốc độc tự tử. Ông Bằng nghe tin sốc, không chịu nổi vì có bệnh huyết áp cao. Ông nhập viện rồi qua đời. 

Hết vạ này rồi tai kia ập đến. Chuyện của Cừ chưa nguôi ngoai thì Lý chán cảnh chồng lôi thôi đã cặp kè với ông trưởng phòng trong Sài Gòn. Chị vùi mình vào những cuộc ăn chơi, hưởng lạc, hoàn toàn bỏ bê chồng và gia đình nhà chồng. 

Nghĩ chưa kĩ, chị bỏ chồng theo ông trưởng phòng vào Sài Gòn ở hẳn. Chỉ đến khi ra khỏi nhà, chị mới nhận ra lỗi sai của mình và viết thư xin được quay về. 

Chuyện Mùa Lá Rụng Trong Vườn kết thúc vào một đêm giáp Tết, khi cả nhà đang đông đủ thì nhận được thư của Lý.

review-sach-mua-la-rung-trong-vuon-ma-van-khang-2
Review sách Mùa Lá Rụng Trong Vườn

Giá trị hiện thực của tác phẩm Mùa Lá Rụng Trong Vườn

Truyện Mùa Lá Rụng Trong Vườn bắt đầu bằng không khí chuẩn bị trong những ngày giáp Tết tại nhà ông Bằng, qua hình ảnh tỉ mỉ, cầu kỳ, đầy ắp tình yêu thương của hai người con dâu Lý và Phượng.

Chị Lý hiện lên là một người phụ nữ Tràng An chuẩn mực, khéo léo, chu đáo và rất mực giỏi giang.

“Chưa ở đâu Lý hiện lên đẹp toàn vẹn như ở công việc này. Chị thực hiện cái thiên chức cao quý của mình với một sự say mê vô cùng, tận tuỵ vô cùng. Không một dấu vết của sự cẩu thả, tắc trách. Không một chi tiết tuỳ tiện, được chăng hay chớ. Tất cả đều phải đạt tới đỉnh điểm của yêu cầu”.

Ấy vậy mà sau một cái Tết, người phụ nữ đảm đang và giỏi thu vén ấy bỗng biến thành một người đàn bà hằn học, chanh chua và tính toán đủ đường. Lấy phải một người chồng lôi thôi, Lý lại càng đau lòng hơn khi ông Bằng qua đời và để lại số tiết kiệm cho Phượng, người con dâu thứ trong nhà. 

Biến chuyển tâm lý của các nhân vật trong Mùa Lá Rụng Trong Vườn được miêu tả rất sắc và tinh tế. Tất cả đều cho thấy một hiện thực mà ai cũng cảm nhận được. Ấy là lúc những giá trị truyền thống đang dần chuyển mình và bị hòa lẫn với những sân si, xoay vần do thời cuộc.

Tuy là anh em một nhà, được người cha cố gắng xây dựng nề nếp nhưng thật khó để được như mong đợi. Mỗi người mỗi tính cách, mỗi người một số phận. Những tính xấu vẫn được gieo mầm và sẽ nảy nở khi có thời cơ. Đó là khi những biến cố xảy đến mà chẳng ai kịp trở tay.

Từ thời chiến tới thời bình, Việt Nam chứng kiến những biến chuyển rõ rệt trong nền kinh tế và những thay đổi ngấm ngầm trong cách suy nghĩ, trong hệ giá trị của mỗi con người. Dẫu đã trải qua bao biến cố, Ma Văn Kháng vẫn tin vào giá trị tinh thần bất biến của tình người và của truyền thống gia đình. Bằng chứng là cái kết truyện, chị Lý đã chọn quay về sau khi cuốn mình vào những thú vui hư ảo.

Nghệ thuật trong ngòi bút của Ma Văn Kháng

Cách xây dựng nhân vật

Gia đình 5 người con của ông Bằng chính là minh họa thu nhỏ cho xã hội khi ấy. Mỗi người một nghề nghiệp, một tính cách và quan điểm sống khác nhau. 

Ông Bằng cả đời trăn trở, lo toan cho gia đình, luôn trông về cội nguồn văn hóa. Đông lôi thôi, hời hợt, không quan tâm tới thế sự xung quanh. Lý tháo vát đảm đang nhưng ít học, nhiều tham vọng nhưng không được định hướng đúng đắn.

Luận tỉnh táo, biết nhìn nhận phải trái đúng sai khi vấn đề phát sinh. Phượng tình cảm, nhẫn nại, biết quan tâm, lo nghĩ cho người khác. Cần, Vân lại đại diện cho những người trẻ hiểu biết, dám đấu tranh cho cuộc sống, đó chính là những tín hiệu sáng cho tương lai của đất nước sau này. 

Tác giả lấy cái biến động của khu vườn để tượng trưng cho biến động trong tâm hồn nhân vật. Bốn mùa lá trong vườn là bốn mùa xã hội đổi thay với những biến động trong cả vật chất và tình cảm.

Ngôn từ giá trị, giàu cảm xúc

Mùa Lá Rụng Trong Vườn là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách viết của Ma Văn Kháng. Ngôn từ của tác giả luôn phong phú, lấy chất liệu từ những điều giản dị để thổi hồn vào mỗi câu từ.

“Sân trường buồn tênh lá bàng héo và phượng lặng lẽ buông những cánh hoa tàn.

Im lặng chạy suốt các hàng hiên.

Tĩnh lặng chết chóc tỏa ra từ hai vệt giấy niêm phong trắng như vôi dán chéo qua các cửa ra vào các lớp học. Ve bật tiếng vì sợ hãi. Chỉ có tiếng rúc dè dặt của dế mèn, ngắn ngủi từng đợt giữa hoang vắng một ai khúc ly biệt.”

Mỗi câu văn của tác giả đều được thể hiện hết sức độc đáo, chẳng có đoạn văn nào thể hiện một ý tứ trùng lặp trước đó. Đọc sách, tôi thấy rất ấn tượng với hệ thống từ láy tượng hình, tượng thanh mà tác giả sử dụng: “tiếng phụ nữ xoe xóe”, “nhúc nhắc tay chân”, “xong xóc mắng”,“cươi nhỏn nhẻn”, “lúi xùi”, “cãi nhau í ỏm”, “chữ viết thiên thẹo mẹo dậu”,…

Phải là một người có óc quan sát tinh đời và thạo ngón nghề chơi chữ, Ma Văn Kháng mới làm chủ được ngôn từ ở cái tầm tinh tế như vậy.

review-sach-mua-la-rung-trong-vuon-ma-van-khang-3
Review sách Mùa Lá Rụng Trong Vườn

Lời kết

Mùa Lá Rụng Trong Vườn là một tiểu thuyết cực kì đáng đọc, và đặc biệt hợp trong những ngày cuối năm khi mà cái Tết truyền thống đang đến gần. 

“Văn chương là chuyện đời thông qua việc đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn, chứ đâu phải là đi hớt lấy cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật.”

Đọc truyện để tỏ tường những góc sâu nhất trong nội tâm con người và thêm cảm phục cái tài quan sát và miêu tả tỉ mỉ của tác giả Ma Văn Kháng.

Sách hay nên đọc: Review sách: Sống Mòn – những kiếp người quẩn quanh trong xã hội tù túng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây