Review Sách Hóa Thân – Hành Trình Tìm Kiếm Nhân Dạng Bị Đánh Mất

0
1314
review-sach-hoa-than-kafka
Review sách Hóa Thân - Kafka

Hóa Thân là một trong những tác phẩm xuất sắc do Franz Kafka chắp bút, được sáng tác vào năm 1915. Nhà văn đã khắc họa nên một bức tranh siêu thực trên phông nền thực tế đầy phũ phàng thông qua sự biến đổi đột ngột của nhân vật, từ đó đưa cuốn sách trở thành tiền đề cho sự phi lý trong chủ nghĩa hiện sinh với nhiều bài học quý giá về cuộc sống và khát khao của con người.

Tác giả sách Hóa Thân

Franz Kafka (1883 – 1924) sinh ra tại Praha, khi ấy là một phần của Đế quốc Áo – Hung, ngày nay là Cộng hòa Séc. Kafka là nhà văn, tiểu thuyết gia có xuất thân từ Tiến sĩ Luật. Sau khi tốt nghiệp và đi làm tại một công ty bảo hiểm, ông bắt đầu viết truyện ngắn trong những lúc rảnh rỗi. Trong suốt phần đời còn lại, ông luôn phàn nàn về khoảng thời gian ít ỏi có thể cống hiến cho sự nghiệp văn chương – điều ông nhận định là thiên hướng của mình.

Kafka có di nguyện tiêu hủy tất cả bản thảo, nhưng người bạn thân suốt đời của ông – Max Brod đã từ chối di nguyện đó. Có lẽ vì vậy mà Kafka chỉ thực sự nổi tiếng sau khi qua đời.

review-sach-hoa-than-kafka
Review sách Hóa Thân – Kafka

Sách hay nên đọc: Review Sách Thiên Thần Và Ác Quỷ – Tiểu Thuyết Trinh Thám Khoa Học Xuất Sắc Nhất 

Nội dung sách Hóa Thân – Kafka

Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng, Gregor tỉnh dậy và thấy mình biến thành một con côn trùng. Đoạn mở đầu trực diện, thẳng thắn và mạnh mẽ này của “Hoá thân” được trích dẫn rất nhiều, có lẽ vì sự choáng váng mà nó gây cho người đọc về sự lố bịch và phi lý của đời sống:

“Một sáng tỉnh giấc sau những giấc mơ xáo động, Gregor Samsa, nằm trên giường, nhận thấy mình đã biến thành một con côn trùng khổng lồ.

Anh nằm ngửa trên cái lưng rắn như thể được bọc giáp sắt, và khi dợm nhấc đầu lên, anh nhìn thấy bụng mình khum tròn, nâu bóng, phân chia làm nhiều đốt cong cứng đờ, tấm chăn bông đắp trên bụng đã bị xô lệch, gần tuột hẳn.

Chân anh nhiều ra, mảnh khảnh đến thảm hại so với phần còn lại của thân hình to đùng, vung vẩy bất lực trước mắt anh.”

Gregor Samsa là một nhân viên chào hàng làm việc quần quật để nuôi sống bản thân và gia đình. Anh rất chán ghét công việc nhưng không thể làm gì khác hơn nếu muốn trả được món nợ của gia đình. Nhưng rồi một ngày kia anh “biến thành một con côn trùng khổng lồ”.

Sau khi nhận ra mình đã “biến thành một con côn trùng khổng lồ” thì anh suy nghĩ về công việc, người quản lý, tiền bạc, cha mẹ, em gái…Dường như người “Hóa Thân” thành con côn trùng đó không phải là anh. Anh không tìm hiểu nguyên nhân và xuyên suốt câu chuyện tác giả cũng không đề cập đến lý do.

Anh cố gắng thích nghi với hình dạng mới này để tránh gây phiền toái cho người thân. Nhưng khi chứng kiến sự “Hóa Thân” của Gregor, người thân trong gia đình anh đã không thể chấp nhận được.

Ông bố thì bảo anh “xéo đi”, người mẹ thì ngất xỉu còn cô em gái ban đầu vẫn xem đó là anh trai nhưng về sau cũng đã liên tục đuổi anh đi. Tuy hóa thành một con côn trùng khổng lồ nhưng Gregor vẫn nghe và hiểu được những lời nói ấy.

Họ đối đãi ngày càng tệ bạc với anh từ chuyện ăn uống đến căn phòng. Phải chăng những con người trong gia đình ấy cũng dần đang “Hóa Thân”? Cuộc sống của họ sẽ tiếp diễn như thế nào khi Gregor không thể đi làm? Họ phải làm gì để nuôi sống bản thân và sẽ hành xử như thế nào với Gregor? Sự hiện hữu của anh không còn là niềm mong mỏi của họ. Vậy Gregor phải làm gì trong tình cảnh này? 

“Đành rằng toàn thân anh có đau nhức thật, song cơn đau nhức này có vẻ đang giảm dần và cuối cùng có thể sẽ tan biến. Quả táo thối rữa trên lưng anh cùng mảng lưng bị viêm quanh nó đều phủ đầy bụi mịn, đã hầu như thôi không hành hạ anh nữa.

Anh nghĩ đến gia đình với tình yêu thương trìu mến. Anh phải biến mất, ý nghĩ đó nung nấu trong anh còn mãnh liệt hơn cả em gái mình – nếu như anh có khả năng thực hiện được.”

Những tình tiết miêu tả diễn biến tâm lý đều bị tác giả lướt qua nhưng đó là cái hay của Franz Kafka. Điều đó cho thấy một xã hội mà đồng tiền ngự trị tất cả. Cái tình người trong xã hội bấy giờ đã bị bỏ qua một cách chua xót. “Hóa Thân” đã gợi lên nhiều tầng ý nghĩa để mọi độc giả tự nhận ra và chiêm nghiệm. Với giọng văn cổ điển, lạnh lùng, Kafka đã thực sự đem đến một tác phẩm độc đáo, mới lạ và đầy suy tư.

Giá trị đọng lại trong cuốn sách Hóa Thân

Hóa Thân là tiếng nấc nghẹn ngào của một bi kịch đời người

Sau khi Gregor Samsa chết đi, các thành viên như được lột xác, một tương lai tươi sáng mở ra trước mắt họ. Kết thúc truyện là hình ảnh Crete đang vươn mình đứng dậy và bố mẹ dự tính sẽ cho cô kết hôn. Tất cả như một lần nữa khẳng định lại điều mà anh luôn chối bỏ rằng, bản thân là gánh nặng đối với gia đình và cái chết của mình là điều tốt nhất dành cho họ.

review-sach-hoa-than-kafka-2
Review sách Hóa Thân – Kafka

Sách hay nên đọc: Review Sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hoá Namiya – Vòng Quay Bất Tận Của Cuộc Sống

Sự kết thúc của nhân vật chính cũng là cánh cửa khép lại một bi kịch đời người. Gregor Samsa đã cống hiến cả tuổi trẻ để làm công việc mưu sinh mà bản thân không yêu thích nhưng những thành viên trong gia đình lại xem đó là điều hiển nhiên họ đáng nhận được. Để rồi sau khi Hóa Thân và trở nên vô dụng, anh bị khinh rẻ, ngược đãi và ruồng bỏ.

Bi kịch của Gregor Samsa còn là bi kịch của sự cô đơn, tiếng nói của cá nhân không còn được lắng nghe và thấu hiểu. Bốn bức tường kia không phải là nơi cách biệt anh với thế giới bên ngoài mà là sự lạnh nhạt, ghét bỏ của những người mình yêu thương.

Để rồi đến cuối cùng, sự giải thoát duy nhất dành cho Gregor Samsa là cái chết trong căn phòng kín. Đó là cái chết của tận cùng nỗi bi thương cho một kiếp người cả đời sống vì đồng tiền, công việc và sống vì người khác mà quên đi chính bản thân mình.

Tìm thấy những hạt ngọc quý trong mê cung đầy rẫy những điều phi lý

Câu chuyện về sự Hóa Thân đột ngột của chàng nhân viên giao hàng chưa từng được tác giả đưa ra bất kỳ một sự lý giải nào. Có thể thấy rằng, trong cuộc đời mỗi người ai rồi cũng phải đối diện với những tai ương bất ngờ mà họ buộc phải chấp nhận, đó là điều mà số phận đã định đoạt sẵn.

Không chỉ dừng lại ở đó, Hóa Thân tố cáo sự chế ngự của đồng tiền khiến con người mất đi nhân tính như gia đình nhà Gregor Samsa chỉ xem anh là một nguồn thu nhập nhất định để rồi khi nhân vật chính không còn khả năng lao động thì họ sẵn sàng quay lưng, loại bỏ một cách nhẫn tâm.

Trước một xã hội đề cao vật chất, Franz Kafka luôn nhìn thấy những hạt ngọc quý ẩn sâu bên trong tấm lòng của mỗi con người. Ở đó họ chấp nhận hy sinh bản thân vì nghĩa vụ gia đình để đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng không hề nuối tiếc hay oán hận.

“Anh nghĩ đến gia đình với tình yêu thương trìu mến. Anh phải biến mất, ý nghĩ đó nung nấu trong anh còn mãnh liệt hơn cả em gái mình – nếu như anh có khả năng thực hiện được.”

Mặc dù gánh vác trên vai nghĩa vụ với gia đình nhưng Gregor Samsa vẫn hy vọng về một tương lai trả hết nợ và thoát khỏi công việc hiện tại. Tiếng đàn của Crete vang lên đã đánh thức trong anh về ước mơ ngày xưa của bản thân, thứ mà mình không thể nào thực hiện được.

review-sach-hoa-than-kafka-3
Review sách Hóa Thân – Kafka

Việc đánh mất nhân dạng cho đến sự kết thúc ở cuối tác phẩm có lẽ không phải là dấu chấm hết mà là sự giải thoát gián tiếp của nhà văn giành cho nhân vật của mình, từ đó mở ra hy vọng về một tương lai tốt đẹp và tươi sáng hơn.

Lời kết

Chỉ gói gọn trong dung lượng của một truyện ngắn nhưng Hóa Thân lại mang đến rất nhiều bài học sâu sắc và những giá trị nhân văn quý giá. Dù đã hơn một thế kỷ trôi qua kể từ khi câu chuyện được xuất bản nhưng nó vẫn để lại cho nhân loại những giá trị vẹn nguyên về mối quan hệ gia đình, sự chế ngự của tiền bạc cũng như hành trình tìm lại chính mình. Hóa Thân chắc chắn là một câu chuyện đáng để đọc và chiêm nghiệm. 

Sách hay nên đọc: Review Sách Quả Táo Thần Kỳ Của Kimura – Vì Tôi Ngốc Quá Nên Cây Táo Mới Ra Hoa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây