Review Sách Đội Gạo Lên Chùa – Góc Nhìn Sâu Sắc Về Phật Giáo Trong Thời Chiến

0
1097
review-sach-doi-gao-len-chua
Review sách Đội Gạo Lên Chùa

Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng những tác phẩm viết về những cuộc chiến luôn có sức hút kì lạ với độc giả Việt Nam. Nếu như Tuổi Thơ Dữ Dội kể lại câu chuyện xúc động của những chú bé tham gia Vệ Quốc đoàn, Nỗi Buồn Chiến Tranh ám ảnh người đọc với cuộc đời người lính thời hậu chiến thì Đội Gạo Lên Chùa lại mang đến một chủ đề hoàn toàn khác biệt: đạo Phật trong thời chiến.

Tác giả sách Đội Gạo Lên Chùa

Đội Gạo Lên Chùa là tác phẩm của nhà văn, dịch giả Nguyễn Xuân Khánh. Ông từng theo học đại học Y khoa Hà Nội sau đó lên đường nhập ngũ. Tác giả của Đội Gạo Lên Chùa từng có thời gian giảng dạy tại trường Sĩ quan Lục Quân, làm biên tập viên tại tạp chí Văn nghệ quân đội và làm phóng viên cho báo Thiếu niên Tiền phong.

Bên cạnh Đội Gạo Lên Chùa, Nguyễn Xuân Khánh còn có một số tác phẩm thành công khác như sách Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, hay Miền hoang tưởng.

Tác giả Nguyễn Xuân Khánh từng được nhà nước trao tặng nhiều giải thưởng danh giá về văn học nghệ thuật như Thành tựu văn học trọn đời của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Thăng Long của TP Hà Nội,…

review-sach-doi-gao-len-chua-3
Review sách Đội Gạo Lên Chùa

Sách hay nên đọc: Review Sách Tuổi Thơ Dữ Dội – Cuốn Tiểu Thuyết Xuất Sắc Nhất Của Cách Mạng Việt Nam

Nội dung sách Đội Gạo Lên Chùa

Lấy bối cảnh tại một ngôi chùa làng trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Đội Gạo Lên Chùa kể lại câu chuyện của hai chị em An và Nguyệt.

Lên 9 tuổi thì An mồ côi cả cha lẫn mẹ vì bị giặc càn quét, hai chị em chạy trốn khỏi làng và xin vào chùa Sọ nương thân. Tại chùa Sọ, An được sư thầy Vô Úy cưu mang, dạy dỗ và nuôi dạy nên người. Chiến tranh nổ ra thì không nơi đâu là chốn yên bình, kể cả mảnh đất thiêng nơi ngôi chùa tọa lạc. An còn nhỏ tuổi, tuy chưa trực tiếp tham gia vào cuộc chiến nhưng những biến cố cuộc đời cậu đều từ chiến tranh mà đến.

Thông qua câu chuyện của An, ta biết thêm nhiều cuộc đời bất hạnh khác. Trước khi trở thành chú tiểu trong chùa, chú bé An 9 tuổi đã bị ám ảnh tuổi thơ khi thấy đầu bố mình bị cắt lìa khỏi cổ. An được sư thầy nuôi dạy, cùng sư thầy trải qua những ngày tháng bi thảm tại trại cải tạo, nhà giam huyện, sau tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Sư Khoan Độ bị bố ruột cắt gân chân, vợ bị rắn độc cắn chết khi đang mang thai hai tháng. Khoan Độ có vẻ ngoài hung tợn, dữ dằn, từng phá làng phá xóm, trở thành cướp biển táo tợn nhưng được phật pháp cảm hóa và nguyện xuống tóc bảo vệ nhà chùa.

Nguyệt từ một cô gái hiền lành và có phần nhút nhát đã hết mình lao vào cách mạng, trở thành vợ liệt sĩ khi tuổi đời rất trẻ. Thăng trầm cuộc đời đã đưa cô kết hôn với một người chịu tù mười năm vì tội đốt nhà, quyết không tham gia đấu tố người mà mình mang ơn.

Huệ là con gái của chính ủy Vô Trần (người từng đi tu tại chùa Sọ nhưng chưa hết duyên nợ với đời nên hoàn tục rồi tham gia cách mạng). Huệ còn được sống là do mẹ cô đã hy sinh thân mình để bảo vệ sự trong trắng của con gái. Huệ sau này trở thành một y sĩ nhưng vĩnh viễn mất đi một bên chân vì chiến tranh bạo tàn.

Với độ dài hơn 800 trang, cuốn Đội Gạo Lên Chùa là một tác phẩm đồ sộ với hệ thống nhân vật và những câu chuyện đan xen. Mỗi cái tên là một số phận với những nỗi niềm chua xót riêng. Trải qua hai cuộc chiến, biết bao lần cải cách, đất nước oằn mình vì bom đạn thì con người cũng chẳng tránh được những bất hạnh, đắng cay.

Nhận xét về cuốn sách Đội Gạo Lên Chùa

Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn

Mỗi tác phẩm về chiến tranh Việt Nam đều có sức hút riêng. Nếu từng bước ra từ cuộc chiến, người cầm bút sẽ có cho mình chất liệu rất thật về những gì họ đã trải qua. Không dành quá nhiều thời lượng để viết về mưa bom bão đạn, sách Đội Gạo Lên Chùa chịu khó đi sâu vào câu chuyện cá nhân của từng người.

Cuộc đời đúng là vô thường. Mỗi con người trong tác phẩm lại phải trải qua những đau khổ, lắt léo và những bước chuyển mà chính họ cũng không ngờ tới. Chuyện kể từ thời chiến, tới thời bình, rồi lại thời chiến. Đội Gạo Lên Chùa viết về ba, bốn thế hệ người dân đã sống qua những cuộc chiến kinh hoàng và những lần cải cách dữ dội.

Cái tài của tác giả là biết cách đan cài những chi tiết kịch tính và bất ngờ để từ đó dẫn dắt người đọc quay lại Việt Nam của nhiều chục năm về trước. Mọi chi tiết hiện lên sống động, từ tiếng chuông chùa ngân vang cho tới cơn mưa bom do máy bay bà già dội xuống.

review-sach-doi-gao-len-chua-2
Review sách Đội Gạo Lên Chùa

Sách hay nên đọc: Review Sách Nỗi Buồn Chiến Tranh – Khi Tuổi Trẻ Bị Chiến Tranh Đánh Cắp

Những góc nhìn mới về các giai cấp trong xã hội

Có một giai đoạn trong thời hậu chiến mà ít khi sách báo viết lại một cách khách quan, đó là cuộc cải cách ruộng đất, tố cáo địa chủ, lấy ruộng nhà giàu chia cho người nghèo. Đọc cuốn Đội Gạo Lên Chùa ta mới biết được những góc khuất trong cuộc đấu tố địa chủ. Không phải tư sản nào cũng xấu, không phải địa chủ nào cũng bóc lột. Nhiều người đã phải chết oan khuất và nhục nhã vì những quyết định sai lầm ẩn trong những mưu đồ cá nhân.

Hay như một góc nhìn mới về chiến tranh chống Pháp, đọc sách ta sẽ hiểu thêm về quan điểm chiến tranh của những người lính Pháp, căn nguyên vì sao có những người Pháp độc ác đến man rợ hay những người Việt sẵn sàng quay lưng với tổ quốc để theo Pháp.

Có những thời điểm Phật giáo tại Việt Nam đã bị coi là ru ngủ, là đi ngược lại cách mạng giữa đấu tranh bạo lực và bất bạo lực, là cái ổ phản động ngấm ngầm được xây dựng bởi Việt Nam quốc dân đảng. Góc nhìn đa chiều, để người đọc tự do suy ngẫm, đánh giá và có những quan điểm sâu sắc hơn về niềm tin giai cấp trong các cuộc chiến tranh.

Quan điểm về Phật trong đời

Thật khéo khi tác giả sắp đặt nhà sư tham gia đánh giặc. Vốn được nuôi dạy từ nhỏ ở chùa, ngày ngày nghe tụng kinh gõ mõ, hương khói nhang đèn, nhưng đến khi chiến tranh gọi tên thì sư Khoan Hòa (An) cũng chẳng tránh được việc vào bộ đội. Đối mặt với chiến tranh, lăn mình vào trong đời, An có những lúc giằng xé tâm can, thà bắn lên trời chứ nhất quyết không chịu nổ súng giết người. Rồi kết thúc chiến tranh thì quay lại chùa đi tu hay gánh trách nhiệm bảo vệ cho người con gái mất một chân bất hạnh.

Rất nhiều câu hỏi, suy nghĩ, đấu tranh tư tưởng nổ ra trong đầu An. Câu trả lời chỉ tóm gọn trong một câu ngắn ngủi “Lạc đạo thả tùy duyên”. Đội Gạo Lên Chùa cho ta thấy muốn tu không nhất thiết phải ở chùa. Ta có thể tu trong đời và tìm thấy Niết Bàn ngay trong cuộc sống bình thường thế tục. Trong hoàn cảnh càng éo le, sự tu hành của ta càng được thử thách và ta càng đến gần hơn với đạo.

Trích dẫn hay từ cuốn Đội Gạo Lên Chùa

“Thầy tôi bảo: đạo Phật cũng có Niết Bàn. Nhưng nó không phải một thứ xa lắc xa lơ nào đó. Nó nằm ngay trong cõi ta bà, nó nằm ngay trong lòng chúng ta. Niết Bàn xuất hiện lúc chúng ta vô tâm nhất, tâm hồn ta bình lặng nhất, và chẳng một gợn thù hận.”

review-sach-doi-gao-len-chua
Review sách Đội Gạo Lên Chùa

“Rêu ơi! Đức Phật dạy rằng: chẳng có gì sinh ra, chẳng có gì mất đi. Gặp duyên thì tụ thì sinh, hết duyên thì tán thì diệt. Tôi đang nhìn đám mây trên trời. Chắc chỉ một lát nữa đám mây đó sẽ thành những hạt mưa, rồi sau này những hạt mưa sẽ lại chuyển thành mây..”

“Còn tôi, nghe họ nói tôi lại nghĩ về kiếp nhân sinh. Kiếp người chẳng qua như những con đom đóm. Vầng trăng kia là ánh sáng của Phật, tỏa chiếu khắp nhân gian. Kiếp nhân sinh là con đom đóm. Chẳng ai thắp mà đom đóm vẫn sáng. Nghĩa là con người vốn có ánh sáng trong mình. Trong đêm đen, con đom đóm cố hết sức để tự phát sáng. Ánh sáng ấy nhỏ nhoi lắm, yếu ớt lắm. Nhưng dù sao cũng là ánh sáng.”

Lời kết

Đội Gạo Lên Chùa là cái tên nổi bật trong dòng văn học chiến tranh. Không chỉ kể lại câu chuyện về những cuộc chiến, tác phẩm còn cho ta những chiêm nghiệm, suy ngẫm sâu xa về cội rễ của lòng tư bi, của tính Phật trong mỗi con người. Một tác phẩm xuất sắc để ta có cơ hội nhìn sâu vào cuộc đời.

Sách hay nên đọc: Review Sách Phố | Chu Lai – Nỗi Buồn Người Lính Thời Kỳ Hậu Chiến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây