Review Sách Đi Trốn – Bình Ca – Cuộc Phiêu Lưu Kì Thú Nơi Núi Rừng Hoang Vu

0
2617
review-sach-di-tron-binh-ca

Đã 5 năm kể từ ngày đầu tiên cuốn tiểu thuyết trứ danh Quân Khu Nam Đồng ra mắt bạn đọc Việt Nam. Sau ngần ấy thời gian, tác giả Bình Ca đã chắp bút và viết nên cuốn tiểu thuyết tiếp theo – Đi Trốn. Trong câu chuyện mới mẻ này, tác giả tái hiện lại Việt Nam thời đạn lạc nhưng không bằng những vết khắc hằn sâu của chiến tranh, mà bằng cuộc phiêu lưu đầy sóng gió của 5 đứa trẻ ở một nơi không dấu chân người.

Tác giả Bình Ca và tiểu thuyết Đi Trốn

Đi Trốn là tác phẩm thứ hai của nhà văn Bình Ca.

Bình Ca lần đầu đến với độc giả Việt Nam vào năm 2015, khi ông ra mắt tiểu thuyết đầu tay Quân Khu Nam Đồng. Tự nhận mình không phải tay viết chuyên nghiệp, những câu chuyện ông viết ra chỉ để kể lại và lưu giữ những kí ức xưa cũ. 

Dẫu vậy, người đọc vẫn đánh giá Bình Ca là một ngòi bút xuất sắc, bởi những trang viết về chiến tranh và cuộc sống thời chiến của ông xứng đáng đưa tên tuổi của nhà văn này sánh ngang với những ngòi bút tên tuổi khác như Bảo Ninh hay Chu Lai.

review-sach-di-tron-binh-ca-2
Review sách Đi Trốn – Bình Ca (tranh ký của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường)

Sách hay nên đọc: Review sách: Nhật ký Đặng Thùy Trâm – cuốn nhật ký lưu giữ ngọn lửa không bao giờ tắt của tuổi trẻ

Công ty phát hành Nhã Nam
Kích thước 14 x 20.5 cm
Loại bìa Bìa mềm
Số trang 318
Nhà xuất bản Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn

Nội dung tiểu thuyết Đi Trốn – Bình Ca

Tạm biệt quân khu với tướng cha, tướng con, tiểu thuyết Đi Trốn kể về câu chuyện của những con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau hiệp định Geneve 1954. Mỗi đứa trẻ, mỗi gia đình là một câu chuyện khác nhau. 

Giữa cảnh cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra ở khắp nơi trên đất nước, nhà văn Bình Ca vẫn dùng một ngòi bút bình thản để kể lại cuộc sống của lũ trẻ con cán bộ. Chúng lớn lên hoang dã, thiếu vắng hơi ấm gia đình và “quen thân” với súng đạn như là đồ chơi. 

“Nói đoạn, nó lấy một khẩu AK 47 trên giá súng, chạy ra bệ tập ngắm. Linh cũng làm theo. Dưới chân đồi, có một thằng bé ngồi dưới gốc cây thổi sáo, cạnh đó là con trâu đang gặm cỏ. Ban đầu Linh hướng nòng súng về phía con trâu, nhưng thấy mục tiêu to quá, nó rê nòng súng sang phía thằng bé và bóp cò. Một tiếng nổ đanh xé gió. Không ngờ trong ổ đạn vẫn còn một viên. Dưới chân đồi, con trâu lăn đùng ra, giãy đành đạch. May mà Linh nhằm vào thằng bé nên con trâu chết. Nó mà nhằm vào con trâu, có khi thằng bé đã trúng đạn”.

(trích “Đi Trốn” – Bình Ca)

Sau một sự cố bất ngờ trong cuộc sơ tán, lũ trẻ đi lạc và bị bỏ lại giữa rừng hoang, đây là lúc cuộc phiêu lưu bắt đầu. Trong tay chỉ có vài vật dụng để sinh tồn, lối về thì bị bịt kín, năm đứa trẻ lênh đênh trên chiếc bè tự đóng, dạt qua những hang động kì bí, có những lúc phải hợp sức chiến đấu với thú dữ trong rừng.

Chính cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ này đã khiến lũ trẻ gần nhau hơn, chúng biết đoàn kết tương trợ nhau trong những lúc khó khăn và biết tự lập khi ở bên không có bố mẹ.

Trong một thời đại vô cùng khắc nghiệt của đất nước, những đứa trẻ phải tự tìm ra lối đi cho cuộc đời mình. Tuy không trực tiếp chứng kiến cảnh mưa bom bão đạn, chiến tranh vẫn là con dao sắc lẹm vạch vào tuổi thơ của bọn trẻ những vết cắt đã trở thành nỗi buồn đi theo chúng suốt cuộc đời.

review-sach-di-tron-binh-ca
Review sách Đi Trốn – Bình Ca

Sách hay nên đọc: Review sách: Gió lạnh đầu mùa – số phận con người trong những ngày đông lạnh co ro

Ý nghĩa truyền tải trong tiểu thuyết Đi Trốn của Bình Ca

Chiến tranh – con quỷ tàn ác

Mạch truyện làm chúng ta cảm tưởng như thực tế mà những đứa trẻ trải qua chẳng có gắn kết gì với những sự kiện lịch sử xung quanh. Nhưng, chính chiến tranh đã gây ra cảnh ly tán, những đứa con lạc mẹ, năm đứa trẻ nghịch dại đến mức suýt toi mạng. 

Thông qua những câu hỏi ngây ngô của đứa trẻ như “Xét lại là tội gì hả ba?”, người đọc vẫn cảm nhận được gánh nặng vô hình của thời đại đè lên vai những đứa trẻ non nớt. Rồi thằng Sơn bị bố bắt bỏ học từ năm lớp 4 vì sợ con lắm chữ rồi bị người ta ghét hay là vu oan.

Có những chi tiết được tác giả kể lại với giọng rất bình thản nhưng ẩn trong đó là nỗi niềm cay đắng. Như những đứa trẻ được nuôi lớn trong trại nhi đồng ngay giữa Hà Nội, đến khi trưởng thành và ra trại thì vẫn chưa được bố mẹ đón lần nào. Rồi có những đứa bố đi công tác từ khi còn bé xíu, đến khi bố trở về, chúng nhất định không chịu nhận cha.

Bố thằng Việt Bắc bị người ta vu cho là kẻ phản bội, để hai mẹ con nó phải sống trong mối nghi kỵ và ghét bỏ của những người xung quanh. Gia đình Linh thì chịu cảnh chia cắt với mỗi bố mẹ một đầu đất nước. Hoài Nam mãi mang nỗi mặc cảm của đứa con có bố mắc tội “xét lại”, nó dần trở nên nghịch ngợm và quậy phá đến nỗi phải đi tù.

Chiến tranh như một con quỷ âm thầm gặm nhấm những tháng ngày thơ ấu của lũ trẻ. Chúng buộc phải chấp nhận, chỉ mong những ngã rẽ của số phận không nhẫn tâm đẩy chúng đi quá xa.

Tình yêu thiên nhiên và niềm đam mê khám phá

Đan cài trong những trang văn của cuốn sách Đi Trốn là những đoạn tả cảnh rừng núi, sông nước hay xuất sắc.

Dù phải vật lộn để bảo toàn mạng sống giữa thiên nhiên hoang sơ và bầy thú dữ, năm đứa trẻ vẫn không quên thả hồn mình vào cảnh đẹp của đất trời.

“Trăng lên, lấp ló trên đỉnh núi, rải ánh sáng bàng bạc xuống rừng già. Năm đứa lên bè ra rừng si. Dải ngân hà rắc xuống hồ nước những vì sao lấp lánh. Lá si như hàng vạn chiếc ô nhỏ giương lên che những giọt trăng, tạo nên một không gian huyền hoặc và những vùng sáng tối xen kẽ để cho những đứa con trai, con gái chơi trò trốn tìm.”

Dù mệt đến mấy, chúng vẫn là những đứa trẻ vô lo với những thú vui rất đúng lứa tuổi.

“Sau khi mệt nhoài vì đuổi bắt, chúng chuyển sang chơi bắn bùm… Cảm giác thú vị của trò chơi chiến tranh trên rừng si cổ thụ trong buổi tối kỳ diệu đó không chỉ cùng chúng đi vào giấc ngủ sau một ngày mệt nhoài, mà còn theo chúng trong những giấc mơ nhiều năm sau đó”.

(Trích “Đi Trốn” – Bình Ca)

Trong Đi Trốn, có những đoạn tác giả làm người đọc cũng bị cuốn theo thú vui của những đứa trẻ mà tạm quên đi hiện thực tàn khốc vẫn đang diễn ra ở khắp nơi trên đất nước.

Hình ảnh chiếc bè tự chế lênh đênh trên sông nước ấy thế mà lại thật ăn nhập với thiên nhiên. Cuộc phiêu lưu tuy vất vả, gian khó nhưng vẫn đậm chất thơ, chất tình.

review-sach-di-tron-binh-ca-3
Review sách Đi Trốn – Bình Ca

Quan điểm văn chương của Bình Ca trong tác phẩm Đi Trốn

Chưa một lần nhận mình là nhà văn, Bình Ca luôn cho rằng văn chương là một cuộc dạo chơi, và nếu đã chơi thì phải cố mà chơi cho đẹp.

Khi người ta hỏi về thông điệp tác giả muốn gửi gắm cho thế hệ thanh niên thời hiện đại qua cuốn sách Đi Trốn, ông chỉ nói.

“Tôi không thích những từ to tát, kiểu như “thông điệp”, hay “gửi gắm cho thế hệ trẻ”. Tôi chỉ kể lại về một thời đã qua, với tất cả điều tốt đẹp và những sai lầm đáng tiếc. Lịch sử không sửa được. Nó được viết ra để thế hệ sau đọc, đánh giá và rút ra bài học cho mình.”

Vẫn là nhà văn Bình Ca mà độc giả vô cùng yêu mến với những câu chuyện mang đậm hơi thở thời đại và màu sắc hiện thực. Vẫn là ngòi bút phóng khoáng, dí dỏm và lời văn tự nhiên không pha chút màu mè, cuốn sách Đi Trốn đã tái hiện lại cuộc sống thời chiến với những lát cắt chân thực và sống động khiến người đọc không khỏi ngưỡng mộ.

Lời kết

Chẳng như MC Diễm Quỳnh từng nói “Truyện của anh Bình Ca toàn yêu đương và đánh nhau. Truyện mà không đánh nhau và yêu đương thì còn gì là Bình Ca!”.

Không có yêu đương, cũng chẳng có đánh nhau, hãy đọc Đi Trốn của Bình Ca và cùng năm đứa trẻ trải qua những giây phút nghẹt thở trong cuộc phiêu lưu nơi núi rừng khắc nghiệt.

Sách hay nên đọc: Review sách: Vang bóng một thời – nơi cây bút tài hoa lưu giữ cái hồn dân tộc

Cảm Nhận Của Độc Giả

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây