Review Sách Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm – Hành Trình Theo Đuổi Nông Nghiệp Thuận Tự Nhiên

0
1800
review-sach-cuoc-cach-mang-mot-cong-rom
Review sách: Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm - hành trình theo đuổi nông nghiệp thuận tự nhiên

Trên thế giới, xu hướng nông nghiệp thuận tự nhiên đã trở nên phổ biến từ những năm cuối của thế kỷ 20. Ở Việt Nam, việc quay về áp dụng nông nghiệp thuận tự nhiên mới chỉ trở nên quen thuộc trong những năm gần đây, khi mà người tiêu dùng quá ngán ngẩm trước thực phẩm bị đầu độc bởi dư lượng lớn thuốc trừ sâu, phân bón hóa học.

Masanobu Fukuoka – tác giả cuốn Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm chính là người đi đầu phong trào quay về áp dụng nông nghiệp thuận tự nhiên. Đọc cuốn sách Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm để hiểu về hành trình làm nông và những triết lý sâu sắc của lão nông đặc biệt này.

Tác giả sách Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm

Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm là cuốn sách của tác giả Masanobu Fukuoka – người khai sinh ra nông nghiệp thuận tự nhiên tại Nhật Bản và trên toàn thế giới. 

Ông không chỉ là một lão nông mà còn là một triết gia. Fukuoka thường xuyên đi khắp thế giới để diễn thuyết về triết lý trong nông nghiệp thuận tự nhiên, hướng con người quay về sống hòa hợp với thiên nhiên thay vì đối xử tàn nhẫn với Đất Mẹ như thực trạng ngày nay.

review-sach-cuoc-cach-mang-mot-cong-rom
Review sách: Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm – hành trình theo đuổi nông nghiệp thuận tự nhiên

Sách hay nên đọc: Review sách: Lược sử loài người – con người có thực sự thông thái hay đang bước đi trong vô định?

Nội dung sách Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm

Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm kể lại hành trình đến với nông nghiệp thuận tự nhiên của tác giả, những nguyên tắc khi theo đuổi nông nghiệp thuận tự nhiên và suy ngẫm của tác giả về mối quan hệ của con người đối với thiên nhiên.

Con đường quay về nông nghiệp thuận tự nhiên

Nông nghiệp thuận tự nhiên cũng là nông nghiệp 4 Không: không cày xới đất, không dùng phân hóa học, không làm cỏ, không phụ thuộc vào hóa chất. 

Bắt đầu quay về nông nghiệp thuận tự nhiên, nhận được thành quả là 400 cây cam chết héo nhưng Fukuoka vẫn chưa từ bỏ cuộc hành trình cam go của mình. 

Ông dần dần điều chỉnh, thay vì bỏ mặc cho cây cối tự phát triển thì ông cho chúng lớn lên theo hướng thuận tự nhiên. Thay vì “Thử làm cái này xem sao?”, “Thử cái kia xem sao?” thì ông tự hỏi “Nếu không làm điều này thì sao nhỉ?” hya “Không làm điều kia thì sao nhỉ?”. Fukuoka hướng tới lối làm nông tối giản nhất có thể. 

Nói không với hóa chất nhưng ruộng lúa của ông vẫn đem về năng suất đáng ngạc nhiên. Vì không dùng phân bón hóa học, Fukuoka trải rơm tươi chưa qua xử lý trên ruộng để tạo ra lớp đất mùn mà vẫn an toàn cho lúa, cây lại không bị tấn công bởi đạo ôn hay bệnh thối thân rơm. 

Cỏ dại không phải kẻ thù của cây cối mà là một phần của tự nhiên. Chúng nên bị kiểm soát, nhưng không nên bị diệt trừ. Người nông dân có thể gieo hạt giống của vụ sau trước khi thu hoạch vụ trước để chúng nảy mầm trước khi cỏ dại phát triển. Một phương án khác là trồng cỏ ba lá trên đất để ngăn cỏ dại.

Để bảo vệ hạt giống khỏi chim hay gà, chúng ta có thể vón hạt mầm trong viên đất sét nhỏ thay vì gieo trực tiếp,.. Còn rất nhiều phương pháp làm nông thuận tự nhiên được tác giả chia sẻ trong cuốn Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm.

Vị trí của con người trong tự nhiên

Phương pháp làm nông của Fukuoka càng giúp chứng minh rằng, con người là một sinh linh nhỏ bé tồn tại trong thiên nhiên bao la rộng lớn và vô cùng vĩ đại này. 

Làm nông thuận tự nhiên tức là chấp nhận buông bỏ, hạn chế những ham muốn và sống hòa thuận với thiên nhiên. Con người, với lòng tham vô độ của mình đang điên cuồng khao khát chinh phục thiên nhiên, họ dùng khoa học kỹ thuật để biến đổi thiên nhiên thành thiên đàng cõi trần mà không ý thức được rằng thiên nhiên tự nó đã là một thiên đàng. 

Chúng ta nghĩ rằng vấn đề nằm ở bên ngoài và dùng mọi biện pháp để cải tạo môi trường xung quanh nhưng thực chất vấn đề xuất phát từ chính chúng ta. Con người đang tiến hóa để làm khổ bản thân, can thiệp quá tay vào thiên nhiên và điều ấy chính là gián tiếp gieo xuống những mầm mống đau khổ cho mình trong tương lai.

Điều con người cần làm là sống hài hòa với tự nhiên xung quanh mình. Khi đi qua khu vườn của Fukuoka, người ta thấy được bản hòa ca của đám côn trùng trong đó. Ong, bướm, giun, ếch, bọ cộng sinh nhau mà sống, tạo nên một quần thể đa dạng sinh học chứ không chỉ có đất, nước và cây.

review-sach-cuoc-cach-mang-mot-cong-rom
Review sách: Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm – hành trình theo đuổi nông nghiệp thuận tự nhiên

Sách hay nên đọc: Review sách: Khu Vườn Bí Mật – bản hòa ca của thiên nhiên và tình yêu thương con người

Đoạn trích từ cuốn Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm

“Các nhà khoa học nghĩ rằng họ có thể hiểu được tự nhiên. Đấy chỉ là lập trường của họ. Bởi vì niềm tin đó, nên họ bỏ công khảo sát tự nhiên và phải đưa nó vào sử dụng mới thôi. Nhưng tôi nghĩ việc hiểu được tự nhiên nằm ngoài tầm với của trí tuệ loài người.”

“Con người với sự can thiệp của họ đã làm một điều gì đó sai trái, để lại sự hư hại mà không được sửa chữa, và khi những hệ quả bất lợi chất chồng, lại dùng mọi nỗ lực để sửa sai. Khi những hành động sửa sai đó có vẻ thành công, họ đi đến chỗ xem những biện pháp này là những thành tựu hay ho.

Người ta làm thế hết lần này đến lần khác. Giống như một gã ngốc dẫm đạp lên mái nhà mình làm vỡ hết ngói. Rồi khi trời bắt đầu mưa và trần nhà bắt đầu rữa ra, hắn mới vội vàng trèo lên chắp vá những chỗ hư hỏng, cuối cùng thì nhảy cẫng lên vui mừng vì mình đã hoàn thành một giải pháp phi thường.”

Nhận xét về cuốn sách Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm

Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm chính xác đã tạo nên một cuộc cách mạng về tư duy làm nông của rất nhiều người, không chỉ tại Nhật Bản mà trên toàn thế giới.

review-sach-cuoc-cach-mang-mot-cong-rom-3
Review sách: Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm – hành trình theo đuổi nông nghiệp thuận tự nhiên

Nông nghiệp đang trở nên lạc hậu và yếu đuối, chúng ta chỉ quan tâm tới phát triển vật chất mà quên đi cốt lõi của việc làm nông và niềm vui khi được hòa mình với thiên nhiên. Sách cho chúng ta quay về cách sống khởi nguyên của nông nghiệp, đó là sống ở đây, chăm lo cho cánh đồng này, sở hữu sự tự do và sung túc mỗi ngày. Mục đích tối thượng của việc làm nông không phải tư hữu vật chất mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người.

Tuy vậy, Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm cũng gây ra những ý kiến trái chiều về thái độ của tác giả đối với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Một số quan điểm xuất phát từ sự tự nghiệm của tác giả nên sẽ thiếu bằng chứng và khó chấp nhận với những người tin tưởng vào khoa học.

Lời kết

Dẫu sao thì, hành trình can đảm trở về với nông nghiệp thuận tự nhiên của Masanobu Fukuoka cũng đáng được cả thế giới cúi đầu ngưỡng mộ. Người đàn ông đã dành hàng chục năm cuộc đời, đi trên con đường cô độc để tìm tòi và phát triển sẽ là nguồn cảm hứng bất tận cho những ai quan tâm đến nông nghiệp nói riêng và những người đang nhọc công chinh phục các mục tiêu cuộc đời nói chung.

Cuốn sách Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm sẽ đem đến cho bạn đọc những bài học triết lý để áp dụng vào nông nghiệp và vào chính cuộc sống này.

Sách hay nên đọc: Review sách: Khuyến Học – học được gì từ câu chuyện khai minh của Nhật Bản

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây