Review Sách Chân Trời Cũ – Hồ Dzếnh | Nét Đẹp Và Buồn Từ Một Thời Quá Vãng

0
1573
review-sach-chan-troi-cu-ho-dzenh
Review Sách Chân Trời Cũ - Hồ Dzếnh

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé

Để lòng buồn tôi dạo mãi trong sân

Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần

Tôi khẽ nói: Gớm, làm sao nhớ thế?

Ta biết đến Hồ Dzếnh qua những bài thơ nhẹ nhàng, phảng phất chút tình trong tập Quê Ngoại nhưng ít ai biết đến một Hồ Dzếnh tự sự và đầy hoài niệm trong cuốn sách Chân Trời Cũ. Sách là những ký ức của nhà văn trẻ về người mẹ, về quê hương, những trăn trở và băn khoăn về một kiếp người phiêu dạt, lam lũ nơi đất khách quê người.

Tác giả cuốn Chân Trời Cũ

Hồ Dzếnh là nhà thơ, nhà văn quê xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ông mang trong mình hai dòng máu với bố là người Trung còn mẹ là người Việt. 

Ngoài sáng tác thơ văn, Hồ Dzếnh còn dạy học, viết báo. Ông là thành viên hội Nhà văn Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập.

Nhận xét về Hồ Dzếnh, Nhà xuất bản Văn Học nhận định “Tác phẩm của Hồ Dzếnh không nhiều, lại không tập trung ở một tờ báo hay đặc san nào. Với bản chất trầm lắng, ông luôn luôn khiêm tốn tự cho mình là người mới bắt đầu bước vào nghề viết. Tuy nhiên, với hai tập văn thơ Chân trời cũ và Quê ngoại, Hồ Dzếnh được biết đến như một nhà thơ có chân tài.”

review-sach-chan-troi-cu-ho-dzenh
Review Sách Chân Trời Cũ – Hồ Dzếnh

Sách hay nên đọc: Review Sách Gió Lạnh Đầu Mùa – Số Phận Con Người Trong Những Ngày Đông Lạnh Co Ro

Nội dung sách Chân Trời Cũ – Hồ Dzếnh

Chân Trời Cũ vừa giống một cuốn hồi ký, lại vừa giống tự truyện kể lại những biến cố, thăng trầm trong tuổi thơ của nhà văn Hồ Dzếnh. Xuyên suốt tác phẩm, ta thấy được ba mạch nguồn cảm xúc nuôi dưỡng con chữ trong những truyện ngắn của ông: gia đình, quê hương, cuộc đời.

Hoài niệm gia đình về trong Chân Trời Cũ

Hình ảnh người mẹ là biểu tượng thầm lặng, cũng là cảm hứng chủ đạo trong những trang viết của Hồ Dzếnh. Viết về mẹ, ông nhẹ nhàng kể lại người con gái lái đò yên lặng trên sông. Bố mẹ ông quen nhau cũng từ chuyến đò ấy.

Vốn là người Trung Hoa sang đất Nam lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, bố ông chịu khó, lam lũ, tự lập bằng cách tự học để xây dựng cơ đồ. Bố ông rất thạo, nhà Hồ Dzếnh từng có lúc vào hàng phú quý nhưng biến cố cuộc đời xảy đến khiến bố ông qua đời khi ông mới được 9 tuổi.

Mình mẹ gồng gánh gia đình, nuôi ba đứa con trai, lại bị vợ lẽ của bố chiếm hết nhà cửa nên túng bấn càng thêm túng bấn.

Chính cái nghèo, cái lề thói đã làm người phụ nữ đôi khi trở nên cay nghiệt với cuộc đời. Người mẹ trong truyện ngắn Chân Trời Cũ của Hồ Dzếnh hiện lên rất thật. Bà chính là điển hình của những người phụ nữ “làm nên đất nước” như Thạch Lam từng nhận xét.

Lo từng đồng bạc cho các con ăn học, chạy ra tận bến tàu để trao tay con đôi dép, khi về già chỉ có một mình ngóng con,.. Đó là một bà mẹ trong muôn vàn bà mẹ, một tình thương trong hàng triệu tình thương.

Gia đình trong ký ức của Hồ Dzếnh còn là những người anh trai, người chị dâu hay đứa con gái của dì ghẻ. Niềm xót thương do người con gái Trung Hoa từng là tiểu thư cành vàng lá ngọc phải về làm dâu xứ người, ăn không đủ no, làm lụng quần quật từ sáng tới tối. Chị dâu bị anh trai bắt quỳ gối và đánh đập chỉ vì để thằng em nhỏ vào buồng khi tức sữa. 

Hình ảnh chị Yên, người giúp việc trong nhà, hay em Dìn, con riêng của dì ghẻ, rồi người chú ở bên Tàu,.. Tất cả những người xa lạ đến thân quen ấy tạo thành những mảnh ký ức rời rạc nhưng sống động trong trí óc chàng trai trẻ sống những ngày tháng phiêu bạt trong đời.

Quê hương trong Chân Trời Cũ

Mang trong mình hai dòng máu, ý niệm của Hồ Dzếnh về quê hương cũng sâu và rộng hơn thường. Trong Chân Trời Cũ, ông mơ về Trung Hoa, không phải một quốc gia đất rộng, lắm dân, ít gạo. Trung Hoa hiện về trong tác giả bằng hình ảnh chú Nhì, “Lòng tôi nghe vang một thứ gió âm u của miền sa mạc Mông Cổ trôi qua Thiểm Tây, Cam Túc, luồn vào những khu rừng không tên của hai tỉnh Lưỡng Quảng, vượt trùng dương sang tôi, như tiếng thở dài não nùng của những linh hồn phiêu bạt. Không hiểu sao lòng tôi rưng rưng…” 

review-sach-chan-troi-cu-ho-dzenh-3
Review Sách Chân Trời Cũ – Hồ Dzếnh | Nét Đẹp Và Buồn Từ Một Thời Quá Vãng

Sách hay nên đọc: Review Sách Vang Bóng Một Thời – Nơi Cây Bút Tài Hoa Lưu Giữ Cái Hồn Dân Tộc

Quê hương trong Chân Trời Cũ không phải vùng đất của những anh hùng bôn tẩu, ngạo nghễ mà là một miền ký ức phảng phất nỗi buồn, nỗi hoài cổ dù tác giả chưa từng đặt chân tới. Tất cả những gì ông có được là Trung Hoa qua lời kể của cha, của chú hòa cùng cảm thức, nỗi niềm về quê hương sẵn có trong mỗi con người.

Suy ngẫm về cuộc đời và sự nổi trôi

Hồ Dzếnh ý thức rõ hơn ai hết về những biến cố có thể xảy đến trong cuộc đời mỗi người. 

Ngày nhỏ, chàng trai trẻ được đối xử như một thiếu gia trong một gia đình khá giả. Cha ông qua đời làm thời thế xoay chiều. Mẹ gồng gánh việc lớn việc nhỏ, còn phải lo liệu cho người chú từ bên Tàu sang. Không đủ tiền đóng học, ông bị thầy giáo chửi rủa, chì chiết, bị người thím trên tỉnh miệt thị vì xuất thân nghèo khó.

Anh trai của Hồ Dzếnh đã từng là người học rộng tài cao, tương lai xán lạn nhưng sa cơ lỡ bước. Người thì sống cuộc đời lầm lũi, người phải vào tù ra tội.

“Trên các dải đường đưa đến những ngõ truỵ lạc, anh tôi, mồm phì hơi rượu, thuốc lá ngậm xiên ra một bên mép, vẫn hất cái mũ dạ lên gần chỏm đầu, thất thểu đi tìm cái lí tưởng đen tối của đời anh. Đời sỉ nhục, mắng mỏ anh tôi nhiều lần, nên anh bảo không cần ngó ngàng đến đời nữa… Anh bảo cứ tiêu, tiêu cho sướng, cho từ cái chóp núi lăn xuống khe sâu, cho cùng một lúc hưởng được cả hai vị đời: khoái lạc và chua chát.”

Nhận xét về tác phẩm Chân Trời Cũ

Tuy nổi tiếng hơn cả với tập thơ Quê Ngoại, nhưng nhà thơ Hoài Anh viết về Hồ Dzếnh: “Phần đóng góp quan trọng nhất cho văn học Việt Nam của anh lại là tập Chân trời cũ, thể hiện nếp sinh hoạt, tính cách, tình cảm, tâm lý của bà con gốc Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hồ Dzếnh chỉ kể chuyện về người cha mình, các anh, chị, em mình, con ngựa của cha mình… mà làm cho người đọc Việt Nam rung động tận đáy lòng.” 

review-sach-chan-troi-cu-ho-dzenh-3
Review Sách Chân Trời Cũ – Hồ Dzếnh | Nét Đẹp Và Buồn Từ Một Thời Quá Vãng

Chỉ là những trang viết mộc mạc, như ngòi bút tự đi cùng cảm xúc, nhưng Chân Trời Cũ đã lấy đi biết bao rung động và tâm tư của người đọc. Đọc xong truyện ngắn, ta chỉ biết thốt lên rằng, sao con chữ có thể đẹp và buồn đến thế.

Trích dẫn hay từ tác phẩm Chân Trời Cũ

Tôi là người biết cảm sầu rất sớm, nên người đàn bà lìa quê hương ấy đã là cái đề cho tôi khóc bằng thơ để làm ố hoen cả một buổi bình minh đáng lẽ rất tươi đẹp.”

“Hồi ấy, chúng tôi chưa “văn minh” như bây giờ, để có được một tấm lòng tám chín tuổi đã biết suy nghĩ hay thao thức. Chúng tôi sống bình yên với cảnh đời thay đổi, chưa từng để ý đến những cảm xúc bâng khuâng gợi lên bởi một mảnh ao hay một tấm lá. Cái vui của chúng tôi là cái vui của con diều no gió và cái nhớ viển vông chỉ có thể hơi làm buồn được những lúc vắng nhà.”

“Thuở thơ ấu của tôi phần lớn là những ngày buồn bã, cái buồn bã không đâu, đến bây giờ còn theo dõi tôi mãi. Thỉnh thoảng tôi mới vui, nhưng cái vui, ác hại, lại dồn dập như giông tố, bỏ rớt lại một nỗi trống rỗng thiểu não trong lòng tôi sau khi tan đi. 

Tôi vui đấy mà buồn ngay đấy. Tôi lưu luyến một cái gì xa quá, hư huyền quá, nhưng không phải là thú vui tìm kiếm trong gia đình hay trong đời sống. Bạn bè tôi lại rất hiếm. Vài ba gương mặt phảng phất lắng trong quá khứ thiếu tươi vui, vài tình cảm xưa cũ lẽo đẽo theo tôi trên đường đời. 

Có thế thôi, và thường thường tôi chỉ sống bằng mộng. Tôi không bằng lòng ai cả, hình như tôi cũng không bằng lòng cả tôi. Tôi phải kiếm cớ luôn luôn cho lòng mình thắc mắc, trong thứ tin tưởng quái gở là mọi người không ai yêu tôi. Đó thực là một cực hình cho kẻ nào, như tôi, chịu ảnh hưởng sự khủng hoảng tinh thần do chính mình gây ra, do chính mình ham thích.”

Lời kết

Chân Trời Cũ của Hồ Dzếnh xứng đáng với nhiều sự trân trọng và yêu quý hơn thế. Những ánh văn đẹp từ ngôn ngữ cho đến nỗi niềm tâm trạng: “Nhưng trên cả Tình và Tài, trên những vinh hạnh chói lòa nhiều khi rất không chân thật, một điểm sáng lấp lánh tự ngàn thu, một Triều Thiên mà thế kỷ nào cũng ước ao, thèm khát, đó là Tấm Lòng”

Sách hay nên đọc: Review Sách Vàng Và Máu – Khi Con Người Mới Là Bóng Ma Đáng Sợ Nhất

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây