Review Sách Bốn Thỏa Ước – Chỉ Dẫn Thiết Thực Để Đạt Đến Tự Do Cá Nhân

0
2008
review-sach-bon-thoa-uoc

Độc lâp, tự do rồi mới đến hạnh phúc. Như vậy, chúng ta có thể hiểu, tự do là yếu tố tiên quyết để có một cuộc đời viên mãn như chúng ta luôn hướng tới.

Tự do không chỉ dừng lại ở giới hạn không gian, mà tự do là được sống một cuộc đời thanh thản, tự chủ, giải thoát bản thân khỏi những niềm tin giới hạn và âu lo vô ích.

Đọc cuốn sách Bốn Thỏa Ước của tác giả Don Miguel Ruiz để “lắng nghe những tiếng vọng từ ngàn xưa”, ứng dụng những trí tuệ đơn giản mà vĩ đại để nâng cao chất lượng đời sống tinh thần.

Tác giả cuốn Bốn Thỏa Ước

Bốn Thỏa Ước là sách của nhà văn Mexico có tên Don M. Ruiz. Được nuôi lớn trong một gia đình nông thôn, lớn lên, Don Ruiz theo học ngành Y và trở thành bác sĩ khoa ngoại.

Ngoài Bốn Thỏa Ước (The Four Agreements), ông còn viết một số cuốn sách khác, như Beyond Fear hay The Mastery of Love.

Sách của Don Miguel Ruiz là tổng hợp vẻ đẹp giữa nhiều nền văn mình tinh thần. Sách Bốn Thỏa Ước của ông đã 6 năm liền đứng top best-seller của The New York Times và được yêu mến trên khắp thế giới.

review-sach-bon-thoa-uoc
Review sách: Bốn Thỏa Ước – chỉ dẫn thiết thực để đạt đến tự do cá nhân

Sách hay nên đọc: Review sách: The Secret (Bí Mật) – Luật hấp dẫn thực sự có tồn tại?

Nội dung sách Bốn Thỏa Ước

Cuốn Bốn Thỏa Ước hướng con người tới tự do tinh thần, nhưng không dựa vào đấu tranh hay mượn tới thế lực siêu nhiên nào mà bằng chính lời nói và suy nghĩ của chúng ta.

4 thỏa ước để giải phóng bản thân được tác giả chỉ ra là:

– Không phạm tội với lời nói của bạn

– Không vơ mọi chuyện vào mình

– Không giả định, phỏng đoán

– Hãy làm hết khả năng của mình

Không phạm tội với lời nói của bạn

Theo tác giả, thứ có sức mạnh lớn nhất đối với mỗi con người chính là lời nói. Lời hay ý đẹp có thể tiếp cho người khác sức mạnh, nhưng nó cũng có thể là lưỡi dao làm người ta gục ngã. 

Những câu nói ác ý có thể biến thành lời bùa trú ám ảnh một người tới hết đời. Nếu một cô gái từ nhỏ đã bị người khác chê xấu thì đến khi lớn lên, dù được bao nhiêu người khen ngợi sắc đẹp của mình thì bên trong cô vẫn tồn tại những mặc cảm về vẻ bề ngoài. 

Nhiều người có sở thích ngồi lê đôi mách vì nó khiến ta nghĩ rằng bản thân mình có giá trị cao hơn người đang bị nhắc tới; rằng đối tượng kia xấu xí, đau khổ và không đáng được coi trọng. Tuy nhiên, chính những câu nói này lại là cội nguồn gây ra những đau khổ nếu như ta không kiểm soát được lời nói của mình.

Tâm trí con người giống như một mảnh đất màu mỡ, nơi hạt giống không ngừng được gieo xuống. Hạt giống là những quan điểm, những tư tưởng và khái niệm. Bạn gieo một hạt giống, một ý tưởng, và nó lớn lên. Lời cũng giống như một hạt giống, và tâm trí con người quả là màu mỡ!

Vấn đề duy nhất là nó thường quá màu mỡ cho những hạt giống của sợ hãi. Tâm trí của loài người ở đâu cũng phì nhiêu, nhưng chỉ dành cho những loại hạt giống mà nó đã được chuẩn bị để dành cho. Điều quan trọng là nhìn thấy loại hạt giống nào mà tâm trí chúng ta thật màu mỡ dành cho chúng và chuẩn bị cho nó đón nhận hạt giống của tình yêu.

Không vơ mọi chuyện vào mình

Tác giả Bốn Thỏa Ước cho rằng, nếu không quy mọi việc về mình, ta sẽ miễn nhiễm khỏi những lời đánh giá, khen chê của những người xung quanh, không tự tin mà cũng chẳng tự cao vì đó chỉ là đánh giá phiến diện từ các tác nhân bên ngoài.

Những điều người khác suy nghĩ và nói về chúng ta đều bắt nguồn từ thế giới quan của họ, là phản chiếu những gì đang diễn ra trong nội tâm của họ nên dù tốt dù xấu, chúng ta cũng đừng bận tâm. Hiểu rằng mọi người có xuất phát điểm khác biệt, thế giới quan khác biệt sẽ giúp ta vững vàng trước lời nói của người khác.

Không có gì người khác làm mà lại vì bạn cả. Chỉ vì họ thôi. Mọi người sống trong giấc mơ riêng của họ, trong tâm trí họ; họ sống trong một thế giới hoàn toàn khác với thế giới ta đang sống. Khi vơ một cái gì đó vào mình, chúng ta giả định rằng họ biết trong thế giới của chúng ta có gì và chúng ta tìm cách áp đặt thế giới của chúng ta lên thế giới của họ.

review-sach-bon-thoa-uoc-2
Review sách: Bốn Thỏa Ước – chỉ dẫn thiết thực để đạt đến tự do cá nhân

Sách hay nên đọc: Review sách Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới – bí quyết để thành công và thành nhân

Không giả định, phỏng đoán

Con người thường có xu hướng đưa ra giả định, phỏng đoán về mọi việc thay vì trực tiếp đi tìm kiếm thông tin. Lâu dần, chúng ta sẽ đồng hóa giả định của mình và sự thật làm một dù trên thực tế đó không phải sự thật.

Sách Bốn Thỏa Ước khuyên ta hãy can đảm đặt câu hỏi về những gì chưa sáng tỏ để mọi thứ minh bạch, tránh gây ra những hiểu nhầm không đáng có.

Khi mới tiếp xúc với một người, chúng ta thường dùng giả định cá nhân của mình và quy kết một vài cử chỉ không thân thiện của người đối diện với việc họ không ưa mình. Vì cho rằng giả định của mình là đúng, chúng ta ngày càng có ít thiện cảm với người đối diện đó và làm mối quan hệ xấu đi. Dù sự thật thì không phải vậy!

“Giả định trong các mối quan hệ là thực sự muốn chuốc lấy rắc rối. Thường thì chúng ta cho rằng các đối tác của ta biết điều chúng ta nghĩ và chúng ta không cần phải nói ra điều chúng ta muốn. Chúng ta cho rằng họ sẽ làm điều chúng ta muốn, vì họ biết chúng ta rõ quá rồi. Nếu họ không làm điều mà chúng ta cho là họ sẽ làm, chúng ta cảm thấy bị tổn thương và nói: “Cậu phải biết chứ.”

Hãy làm hết khả năng của mình

Để biến 3 thỏa ước phía trên thành hiện thực, theo sách Bốn Thỏa Ước, chúng ta phải thực hiện thỏa ước cuối cùng này. Làm hết khả năng không có nghĩa là hướng tới sự hoàn hảo tột cùng mà chỉ là làm hết sức mình, không hơn không kém. Nếu đặt ra kỳ vọng quá cao thì chúng ta dễ bị quá sức và mệt mỏi. Còn nếu làm dưới khả năng, chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng với chính bản thân mình.

Làm hết khả năng còn có nghĩa là làm mọi việc bằng tình yêu và lòng nhiệt huyết chứ không phải sự đối phó. Đó chính là động lực giúp bạn tiến xa hơn trong công việc và mọi mối quan hệ.

“Khi làm hết khả năng của mình, bạn không trao cho vị Quan Tòa cơ hội để tìm lỗi hay trách móc bạn. Nếu bạn đã làm hết sức mình và vị Quan Tòa tìm cách phán xét bạn theo Sách Luật của bạn, bạn đã có câu trả lời: “Tôi đã làm hết khả năng của mình.” Chẳng có gì phải nuối tiếc. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn làm hết khả năng của mình. Đó không phải một thỏa ước dễ tuân thủ, nhưng thỏa ước này sẽ thực sự giải phóng bạn.”

Nhận xét về cuốn Bốn Thỏa Ước

Bốn thỏa ước trong sách là những chân lý rất đơn giản của cuộc đời nhưng không phải ai cũng thực hiện được ngay ở thời điểm hiện tại bởi tính chất phức tạp của đời sống. Hãy luyện tập những nguyên tắc sống này để ngày một tiến gần hơn tới sự tự do trong tâm hồn mà chúng ta vẫn theo đuổi.

review-sach-bon-thoa-uoc-3
Review sách: Bốn Thỏa Ước – chỉ dẫn thiết thực để đạt đến tự do cá nhân

Tuy là một tác giả phương Tây nhưng những triết lý trong cuốn Bốn Thỏa Ước rất gần gũi với quan điểm của đạo Phật – tứ diệu đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo của phương Đông. Nhìn sâu vào vấn đề thì ta có thể thấy, con đường dẫn đến tự do, đủ đầy và hạnh phúc nằm chính trong trái tim ta, là một khả năng mà ta có thể tự luyện rèn chứ không cần tìm kiếm ở đâu xa cả.

Lời kết

Bốn Thỏa Ước là cuốn sách có giá trị vượt thời gian mà mọi lứa tuổi đều nên tìm đọc. Sách sẽ giúp mỗi cá nhân sống hạnh phúc hơn và cả xã hội trở nên văn minh hơn.

Sách hay nên đọc: Review sách: Khuyến Học – học được gì từ câu chuyện khai minh của Nhật Bản

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây