Review Sách Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm – Bạn Đang Dành Tâm Trí Vào Những Việc Vớ Vẩn!

0
2210
review-cuon-sach-nghe-thuat-tinh-te-cua-viec-dech-quan-tam-revisach.com
Review sách: Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm

Trong cuộc sống hiện đại, con người ai cũng có nhiều sự quan tâm từ những việc nhỏ nhất đến những điều lớn lao quan trọng. Chúng ta tập trung một cách điên cuồng vào những điều phi thực tế, vượt ra ngoài khả năng, chúng ta luôn muốn trở thành người tốt nhất, tốt hơn những người khác. “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” cho chúng ta thấy rằng “Chìa khóa để có một cuộc sống tốt đẹp hơn là đếch cần quan tâm đến mọi thứ, bớt để ý đi, hãy quan tâm đến những gì là thật, cấp bách và thực sự quan trọng mà thôi”.

Tác giả “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm”

tac-gia-Mark-Manson
Mark Manson – Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm

“Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm được viết bởi Mark Mason (1984) là blogger nổi tiếng, anh sinh ra tại bang Texas, Hoa Kỳ và tốt nghiệp đại học Boston năm 2007. Tác giả bắt đầu viết blog vào năm 2008 về lời khuyên hẹn hò, năm 2013 anh viết blog mới về lời khuyên cuộc sống dành cho nam giới.

Tính đến năm 2019, Mark là tác giả của 3 cuốn sách trong đó có 2 cuốn được bán chạy nhất của thời báo New York Times bao gồm “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” (2016) và “Everything Is Fucked: A Book About Hope” (2019)

Về cuốn sách “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm”

review-sach-nghe-thuat-tinh-te-cua-viec-dech-quan-tam-revisach.com
Review sách: Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm

 “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” xuất bản năm 2016, đứng ở vị trí số 6 trong danh sách tuần của tờ New York Times và vươn lên vị trí số 1 trong năm 2017. Tính đến năm 2020 cuốn sách đã giữ vững ở top 10 trong 179 tuần.

“Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” với những ví dụ những câu chuyện độc đáo, thú vị, sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ táo bạo để thể hiện thực tế phũ phàng. Cuốn sách này không dạy bạn cách thờ ơ, đếch quan tâm đến mọi thứ mà là quan tâm vào những thứ quan trọng đối với bản thân bạn như gia đình, bạn bè, sự nghiệp, tập trung phát triển bản thân.

Các chương trong cuốn sách “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm”

Chương 1: Đừng cố

Chương 2: Hạnh phúc là một rắc rối

Chương 3: Bạn cũng chẳng đặc biệt lắm đâu

Chương 4: Giá trị của sự chịu đựng

Chương 5: Bạn luôn luôn lựa chọn

Chương 6: Bạn sai hết rồi (Cơ mà tôi cũng vậy)

Chương 7: Thất bại là cách để tiến lên

Chương 8: Tầm quan trọng của việc nói “Không”

Chương 9: … Và rồi bạn chết

Sách hay nên đọc: 

Quảy gánh băng đồng ra thế giới – Bạn có gì để mang ra thế giới?

Sống Thực Tế Giữa Đời Thực Dụng – Hiện thực tàn nhẫn hay bài học nỗ lực cho cuộc sống?

Nội dung chính trong cuốn sách “Nghệ thuật của việc đếch quan tâm”

review-cuon-nghe-thuat-tinh-te-cua-viec-dech-quan-tam-revisach.com
Review sách: Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm

Đừng cố quan tâm quá nhiều

Khi hình dung về sự đếch quan tâm chúng ta thường nghĩ đến khung cảnh thờ ơ với mọi thứ, thực chất những người thờ ơ là những người để ý rất nhiều. Chúng ta bận tâm đến quá nhiều thứ trong cuộc sống mà nó không đáng để bận tâm ví dụ như “cái gã nhân viên thô lỗ nơi trạm xăng vì thối lại cho ta toàn tiền xu là tiền xu, chương trình TV yêu thích của mình bị hủy bỏ”.

Sự đếch quan tâm chính là “phải học cách tập trung và ưu tiên những suy nghĩ của bạn một cách hiệu quả – làm thế nào để chọn lựa và xét xem những vấn đề nào là có hay không có ý nghĩa với bạn dựa trên những giá trị cá nhân đã được mài dũa”

Trong “nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” tác giả có nói rằng: “Tôi đã từng quan tâm rất nhiều người và rất nhiều việc trong đời. Đồng thời tôi cũng đếch quan tâm đến rất nhiều người và nhiều việc khác. Và tất cả những thứ đếch nằm trong phạm vi quan tâm ấy của tôi đã tạo nên sự khác biệt.”

Mở đầu cuốn sách “Nghệ thuật tinh thế của việc đếch quan tâm”, tác giả đã kể câu chuyện của nhà thơ Charles Bukowski một kẻ bần hàn, nghiện rượu nặng, cho đến khi ông trở thành nhà thơ có tiếng tăm, con người ông ta dường như vẫn chứng nào tật nấy. Và điều đó làm ông cảm thấy vui, ông không bao giờ biến mình trở thành một phiên bản nào ngoài chính bản thân của mình.

“Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” cho ta thấy rằng “dù bạn có đi nơi đâu thì vẫn có tận năm trăm tấn phân đang chờ đón bạn. Và điều này thì cũng ổn thôi. Vấn đề là bạn đừng quay lại với năm trăm tấn phân ấy. Vấn đề là tìm ra đống phân bạn cảm thấy chấp nhận được.”, hãy chấp nhận bản thân mình một cách không sợ hãi, không ngại ngùng về quá khứ, vì đó là một phần của bản thân bạn. Nếu bạn chịu đựng được những nỗi đau mà người khác không muốn cảm nhận, bạn dành phần thắng.

Khi bạn bớt quan tâm, sự thất bại sẽ không khủng khiếp như bạn tưởng, những yêu cầu khó chịu hay những lời nói vô tình từ người khác cũng sẽ khiến bạn bớt tổn thương hơn. Thực chất, từ khi sinh ra, con người vẫn luôn là sinh vật quan tâm và tò mò về mọi thứ. Nhưng bước vào đời, vào xã hội, theo thời gian bạn sẽ dần nhận ra những thứ bạn quan tâm trước kia thực ra không đáng để bạn dành quá nhiều thời gian nghĩ đến như vậy.

Nếu bạn nhận ra được sự thay đổi đó, bạn đã bắt đầu trưởng thành và nhận ra, chúng ta đều là những con người tầm thường. Vì tầm thường nên mới trân trọng những điều giản đơn bên cạnh: những người bạn tri kỷ, gia đình, những ước mơ chân thật nhất từ khi còn nhỏ, hay thậm chí đọc một cuốn sách hay cũng khiến bạn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hóa ra vẫn luôn ở gần bạn đến vậy. “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” nói với bạn rằng những giá trị tốt hơn, lựa chọn tốt hơn sẽ đưa bạn đến cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo đuổi năm giá trị phản trực giác

review-cuon-sach-nghe-thuat-tinh-te-cua-viec-dech-quan-tam-revisach.com
Review sách: Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm

Điều khiến bạn bất ngờ khi đọc “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” đó là cuốn sách đi ngược lại với những cuốn sách phát triển bản thân thông thường, không bằng sự tích cực lạc quan, mà dựa vào mặt tiêu cực, nghiệt ngã thậm chí là cực đoan nhất để bạn thức tỉnh. Có năm giá trị mà tác giả coi là tạo nên bước ngoặt cuộc đời trong cuốn sách “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm”.

Đầu tiên, lựa chọn của bạn là trách nhiệm của bạn. Có một điều nực cười rằng, cùng một hoàn cảnh, cùng một sự việc, nếu bạn là người lựa chọn, bạn sẽ cảm thấy như mình có sức mạnh và tự hào, nhưng nếu bạn bị ép buộc, bạn sẽ cảm thấy mình giống như nạn nhân đang trải qua bi kịch và cảm thấy đau khổ.

Ở mọi thời điểm mỗi ngày, bạn đều đã lựa chọn, phương tiện truyền thông đại chúng đang cho phép mọi người đùn đẩy trách nhiệm một cách dễ dàng. Điều bạn cần làm là thay đổi giá trị của bản thân một cách đúng đắn, nhưng điều đó không dễ. Khi bạn quyết định thay đổi giá trị cũ đã theo bạn suốt nhiều năm, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy mình không có định hướng, là một kẻ thất bại, bị cự tuyệt và cảm giác đó thực sự rất khó chịu. Nhưng tác giả đã khẳng định trong “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” rằng sự thay đổi đó “là một điều tốt đẹp”.

Tiếp đến, giá trị thứ hai mà “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” đề cập là sự không chắc chắn về bản thân bạn. Tác giả mong bạn sẽ nhận thức được sự dốt nát của chính mình và đặt sự nghi ngờ cho lòng tin của bạn. Công việc của bạn hay của người khác bị bung bét rất có thể nguyên nhân xuất phát là từ bạn, từ sự tự tin về bản thân một cách lệch lạc. Nhưng cũng không có nghĩa là bạn luôn luôn không gần với chân lý hơn so với những người khác.

Mark nói rằng “nếu bạn cảm thấy như thể một mình đang đấu lại toàn bộ thế giới, thì có lẽ thực ra chỉ có bạn chống lại bản thân bạn mà thôi”.

Giá trị tiếp theo trong “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” là sự sai phạm. Mark nói rằng hãy làm một điều gì đó đơn giản để tạo cảm hứng cho chính mình. Làm một điều gì đó khác đi, khám phá những sai lầm và thiếu sót của bạn để cải thiện. Thử nghĩ rằng bạn là nguyên nhân của mọi vấn đề khi bạn cảm thấy bực bội trong những lần tới, học cách lắng nghe hay giúp đỡ bạn bè. Những điều đó dần dần sẽ thúc bạn tiến về phía trước.

“Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” còn đề cập đến sự từ chối. Trong những trường hợp không phù hợp với giá trị mà bạn đang theo đuổi, hãy mạnh dạn nói “không”, học cách lắng nghe sự từ chối, cũng như vạch ra những giới hạn mà bạn có thể chấp nhận và không chấp nhận để bạn có thể cảm thấy tự do và không bị làm phiền bởi những điều tầm thường và phù phiếm. Bạn có thể trải nghiệm, bước ra thế giới ngoài kia để khám phá nhưng bạn vẫn cần gắn kết với giá trị đã cam kết để phát triển mọi khía cạnh trong cuộc sống.

Cuối cùng “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” nói đến là sự nhìn nhận về cái chết của chính mình. Con người sợ hãi cái chết nên thường tránh suy nghĩ về nó, nhưng cái chết lại giống như ánh sáng, là thước đo cho những giá trị và ý nghĩa cuộc đời của một con người. Dù cái chết có tồi tệ đến thế nào, hãy chấp nhận nó, vì chỉ có như vậy, bạn mới có thể cảm thấy tự do và thoải mái hết sức có thể.

Khi cảm nhận cái chết cận kề, một bên là sự sống một bên là cái chết, bạn sẽ sâu sắc nhận ra giá trị cuộc sống của mình. Bạn không thể đem gia tài của bạn đi sau khi chết, tất cả những gì bạn để lại là dấu ấn của cá nhân bạn, bị lãng quên hay khắc cốt ghi tâm hình ảnh của bạn đều phụ thuộc vào những điều mà bạn đã làm khi đang sống. Không cần phải là những nhà phát minh vĩ đại hay tạo nên điều gì đó lớn lao, cách bạn lựa chọn về những giá trị trong cuộc sống này tạo nên một “bạn tuyệt vời”.

Đọc thêm: Không diệt không sinh đừng sợ hãi – Ôm lấy trái tim đang run rẩy và an ủi tâm hồn đang sợ hãi

Cảm nhận về cuốn sách “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” 

“Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” là cuốn sách thú vị để bạn có thể hiểu bản thân mình hơn sau khi đọc cuốn sách. Bằng lối viết gần gũi và đơn giản cùng với những lý luận về triết học hay thậm chí thiền định, tác giả đã từng bước từng bước khiến bạn dần dần nhận ra và khám phá chính mình. Cũng khiến bạn bớt ảo tưởng về bản thân cũng như ngừng quan tâm tới những điều nhảm nhí xung quanh cuộc sống mà chỉ cần bận tâm đến một vài điều quan trọng nhất.

Tuổi trẻ bạn có thể vấp ngã, có thể mắc sai lầm để phát triển và trưởng thành, nhưng hy vọng rằng, bạn vẫn luôn mang trong mình những giá trị tốt đẹp mà không điều gì có thể phá vỡ, từ đó có được thành công và hạnh phúc.

Lời kết

“Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” không hứa hẹn, động viên hay khích lệ bạn sau khi đọc xong, mà chỉ đơn giản là những lời tâm sự, chia sẻ về những trải nghiệm của một người đi trước, đã từng chứng kiến, trải qua cũng như rút ra được những bài học bằng những câu văn dí dỏm và hài hước nhất, nhưng lại sâu sắc khiến người đọc phải suy ngẫm. Hãy nhìn nhận lại chính mình và xem xét những mối quan hệ xung quanh, có thể bạn cũng sẽ thay đổi một chút và “đếch” quan tâm đến những điều vớ vẩn nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây