Review Sách Gió Lạnh Đầu Mùa – Số Phận Con Người Trong Những Ngày Đông Lạnh Co Ro

0
3004
review-sach-gio-lanh-dau-mua-thach-lam

Gió lạnh đầu mùa của nhà văn Thạch Lam là tập hợp những truyện ngắn được nhà văn sáng tác trong tập truyện Gió đầu mùa. Những truyện ngắn như Nhà mẹ Lê, Trở về,.. đã làm trái tim người đọc rung lên từng đợt sóng cảm động.

Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam có thể nói là một trong những tập truyện xuất sắc nhất trong nền văn học Việt Nam. Sách viết về số phận của những con người lương thiện, nghèo khổ, từ đó bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với những mảnh đời bất hạnh ấy.

Tác giả sách Gió lạnh đầu mùa

Thạch Lam là một cây viết xuất sắc thuộc nhóm Tự lực văn đoàn. Truyện ngắn của ông không đi vào những chi tiết xung đột, mâu thuẫn mà để lại ấn tượng trong lòng người đọc với lối kể chuyện nhẹ nhàng, tâm tình xung quanh cuộc đời của những con người bần hàn, tội nghiệp. 

nha-van-thach-lam-tac-gia-gio-lanh-dau-mua
Nhà văn Thạch Lam – tác giả cuốn Gió lạnh đầu mùa

Sách hay nên đọc: Vang bóng một thời – nơi cây bút tài hoa lưu giữ cái hồn dân tộc

Những tác phẩm của Thạch Lam đều được người đọc yêu mến bởi lối viết gần gũi, giản dị. Ông cũng đóng công lớn trong quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc với những truyện ngắn Nắng trong vườn, Gió đầu mùa hay tập tùy bút Hà nội băm sáu phố phường. Thạch Lam ra đi khi tuổi đời còn khá trẻ nhưng những di sản ông để lại đã trở thành tài sản vô giá cho nền văn học nước nhà.

Thông tin cơ bản của cuốn sách Gió lạnh đầu mùa

Công ty phát hành Đinh Tị
Ngày xuất bản 06-2018
Kích thước 13 x 20.5 cm
Loại bìa Bìa mềm
Số trang 196

Quan điểm văn chương trong Gió lạnh đầu mùa

Thạch Lam quan điểm “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn.” Ông đã đem suy nghĩ ấy vào Gió lạnh đầu mùa, tập truyện ngắn kể lại cuộc đời nghèo khổ mà thanh cao, trong sạch của người nông dân những năm 1945. 

Nội dung sách Gió lạnh đầu mùa

Đọc truyện, ta không cầm được lòng mình khi nghe về những mảnh đời nghèo khổ, bế tắc. Gió lạnh đầu mùa, ấy là thân phận con người bị cơn gió lạnh thổi đến quay quắt, tiêu điều. Những người nghèo đến mùa rét phải giải ổ rơm đầy nhà, mẹ cùng con nằm ngủ trên đó như chó mẹ chó con lúc nhúc. Đó là những em bé tội nghiệp, mùa rét đến chẳng có lấy một manh áo, chỉ biết nhìn chiếc áo bông của người khác mà thèm thuồng.

Hay là những mái nhà lá chỉ chực đổ xuống khi có cơn gió lung lay, là giấc ngủ không tròn vì nửa đêm phải dậy tìm chậu thau đi hứng chỗ dột. Cay đắng nhất, là người mẹ nghèo khổ đi xin ăn bị người ta thả chó ra cắn đến chết, là người chồng vũ phu chỉ biết hành hạ vợ cho vui, là những lời cay nghiệt hành hạ người ta cho đến lúc chết,… Gió lạnh đầu mùa, cơn gió lạnh làm đôi môi tím tái, bàn tay buốt giá, thắt lạnh con tim.

review-sach-gio-lanh-dau-mua-thach-lam
Review sách Gió lạnh đầu mùa – Thạch Lam

Ý nghĩa nhân văn trong Gió lạnh đầu mùa

Nhà văn kể nhưng không chỉ dừng lại ở việc kể. Thạch Lam kể về số phận của những con người nghèo đói nhưng không quên thắp lên ngọn lửa ấm áp của tình người yêu thương. Trong cảnh cơ cực và bần hàn không tả xiết ấy, vẫn có những đứa trẻ tốt bụng biết nhường bạn manh áo ấm.

Đâu đó, len lỏi trong những ánh mắt vô tâm vô hồn, vẫn có nỗi day dứt của người đàn ông đã vô cớ nóng giận với bác phu xe nghèo khổ. Cái giết chết con người không phải nghèo đói, mà là nỗi ân hận day dứt theo người ta tới cuối cuộc đời.

Truyện làm ta buồn vì những đứa con vô tâm nhưng cũng sưởi ấm lòng ta khi nhắc đến những người thân nơi làng quê luôn trông mong, yêu thương chân thành những đứa con nơi phố thị ấy. Giữa cảnh nổi trôi của cuộc đời vô định, chỉ một chút tình thương cũng làm ta thấy thật ấm lòng.

Cái nhìn tinh tế của nhà văn Thạch Lam

Thạch Lam nhìn thấu những biến chuyển thật tinh tế trong suy tư mỗi con người. Người đọc rất dễ bắt gặp mình trong từng nhân vật của câu chuyện. Đó là người cha thấy một mối cảm động êm đềm và phiền phức khi vợ sinh đứa con gái đầu lòng, thứ tình cảm khẽ như cánh bướm non nảy nở trong lòng người đàn ông.

Hay một người đàn ông khác đã giật mình khi nhận thấy sự thay đổi của bản thân, từ khi nào tôi đã trở thành mẫu hình mà những ngày người huyết với đời chưa bao giờ mình nghĩ tới… Những góc khuất trong tâm hồn mỗi con người được thể hiện thật nhẫn nại, thật tinh tế, đôi khi bâng khuâng vì một nỗi day dứt khó nguôi.

Điểm đặc biệt của Gió lạnh đầu mùa

Luôn trung thành với triết lý “văn học là thứ khí giới thanh cao”, Thạch Lam không hề bi thảm hóa hoàn ảnh của những nhân vật trong truyện nhưng cũng không lí tưởng hóa những nỗi khổ của con người bé nhỏ. Đọc Gió lạnh đầu mùa, cảm xúc của người đọc trải qua nhiều cung bậc buồn, vui, cảm động đến giận dữ. Một chút buồn, một chút chua xót, một chút đắng cay, song trên tất cả vẫn là sự cảm thông, tình thương và tình người.

Mọi nhân vật trong truyện của Thạch Lam đều là những con người bình thường, họ có điểm tốt song cũng có những hẹp hòi, hèn nhát và toan tính. Sau cùng, ta vẫn cảm nhận được phần người, phần thiện trong họ.

Thạch Lam đặt nhân vật của mình vào ranh giới giữa cái thiện và ác để tự con người thức tỉnh chính mình bằng lương tri, phẩm giá, tự tìm cho mình một chỗ đứng tốt đẹp trong xã hội biến động. Đó là cái hay của văn Thạch Lam, luôn nhìn đời ở góc độ đời thường mộc mạc “nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối”.

Ngôn ngữ trong Gió lạnh đầu mùa

Chính ngôn ngữ trong truyện đã đưa cái tên Gió lạnh đầu mùa trở thành tác phẩm xuất sắc trong nền văn học Việt Nam. Ngôn ngữ của Thạch Lam lúc nào cũng vậy, luôn phát huy tối đa sự phong phú của tiếng Việt. Nói văn Thạch Lam là một bước chuyển mình trong nền văn học nước nhà bởi cách ông sử dụng từ ngữ rất gần gũi, bình dị, khác hẳn tính tượng trưng ước lệ của văn học cổ đại trong giai đoạn trước. 

noi-buon-trong-gio-lanh-dau-mua
Những điều bình dị trong Gió lạnh đầu mùa – Thạch Lam

Tác gia Nguyễn Tuân – bậc thầy trong việc sử dụng ngôn từ đã dành cho Thạch Lam một lời ngợi ca thế này “Thạch Lam đã làm cho tiếng Việt gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại và tươi tắn hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta. Và theo tôi nghĩ, đứng bên cái tiêu chuẩn thái độ tư tưởng nó là tiêu chuẩn chung cho các thể, các ngành văn nghệ thì đây là cái chuẩn trong những tiêu chuẩn quan trọng nếu không là duy nhất”. 

Gợi ý sách hay: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – một vé đi thôi không cần quay trở lại

Lời kết

Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam hợp nhất khi đọc vào những ngày cuối thu đầu đông, khi những cơn gió của mùa đông bắt đầu thổi trên từng nếp nhà, cũng là lúc lòng người tự dưng se sắt cảm giác khao khát yêu thương vô cùng bình dị. Đọc truyện để cảm nhận đời và thêm yêu những con người của Thạch Lam.

Cảm nhận của độc giả

gio-lanh-dau-mua-review

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây